Sau 3 phiên tăng điểm mạnh liên tiếp, phố Wall giao dịch giằng co trong phiên thứ Năm để chờ đợi thông tin chính thức từ cuộc họp của Fed.
Đúng như dự đoán, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất. Fed cho rằng, việc làm Mỹ tăng trưởng mạnh và chi tiêu của hộ gia đình giữ cho nền kinh tế đi đúng hướng, nhưng đầu tư kinh doanh có dấu hiệu giảm nhiệt tăng trưởng so với hồi đầu năm, tạo ra lực kéo ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn giữ quan điểm sẽ tăng dần lãi suất, mà theo dự đoán của giới phân tích, lần tăng tiếp theo sẽ trong tháng 12 này.
Sau thông tin này, các chỉ số chính của phố Wall đã điều chỉnh, nhưng trong ít phút cuối phiên, Dow Jones đã kịp trở lại để có sắc xanh nhạt và cũng là phiên tăng thứ 4 liên tiếp, trong khi đó, nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo giá dầu thô, cùng sự đảo chiều của nhóm công nghệ sau khi Qualcomm báo cáo kết quả kinh doanh thất vọng và Apple cắt giảm triển vọng quý IV khiến S&P 500 và Nasdaq không thể trở lại, chấm dứt chuỗi 3 phiên và 2 phiên tăng liên tiếp.
Kết thúc phiên 8/11, chỉ số Dow Jones tăng 10,92 điểm (+0,04%), lên 26.191,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,06 điểm (-0,25%), xuống 2.806,83 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 39,87 điểm (-0,53%), xuống 7.530,88 điểm.
Chứng khoán châu Âu mở cửa tăng mạnh trong phiên thứ Năm nhờ hiệu ứng tích cực từ kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ và kết quả kinh doanh khả quan của Societe Generale, Commerzbank và Sodexo. Tuy nhiên sau đó, thị trường đảo chiều giảm khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed.
Kết thúc phiên 8/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 23,40 điểm (+0,33%), lên 7.140,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 51,78 điểm (-0,45%), xuống 11.527,32 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 6,49 điểm (-0,13%), xuống 5.131,45 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, phản ứng tích cực theo phố Wall đêm trước với kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông tăng trở lại trong phiên thứ Năm, trong đó chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh hơn 1,8%. Trong khi đó, do tác động tiêu cực của nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, cùng thặng dư thương mại thấp hơn dự báo khiến chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm điểm.
Kết thúc phiên 8/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 401,12 điểm (+1,82%), lên 22.486,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,71 điểm (-0,22%), xuống 2.635,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 80,03 điểm (+0,31%), lên 26.227,72 điểm.
Trong khi đó, vàng tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp trong tuần và là phiên giảm thứ 5 liên tiếp khi đồng USD tăng mạnh sau kết quả cuộc họp của Fed với quyết định giữ nguyên lãi suất.
Kết thúc phiên 8/11, giá vàng giao ngay giảm 2,6 USD (-0,21%), xuống 1.223,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3,6 USD/ounce (-0,29%), xuống 1.225,1 USD/ounce.
Lo ngại về nguồn cung gia tăng, bất chấp việc Mỹ áp các lệnh trừng phạt lên Iran, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 của OPEC, giá dầu thô tiếp tục sụt giảm mạnh trong phiên thứ Năm. Trong đó, so với mức đỉnh 4 năm xác lập hôm 3/10, giá dầu thô WTI đã giảm 20%.
Kết thúc phiên 8/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,89 USD (-1,44%), xuống 60,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,11 USD (-1,54%), xuống 70,96 USD/thùng.