Chứng khoán diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 30/4?

Chứng khoán diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 30/4?

(ĐTCK) Bước vào tháng 5, nhiều nhà đầu tư lại nghĩ đến câu ngạn ngữ “Sell in May and go away”, nhất là sau khi thị trường có kỳ nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, điều này có đúng với thị trường chứng khoán Việt Nam và diễn biến của thị trường như thế nào sau kỳ nghỉ lễ? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm quy luật của thị trường chứng khoán Việt Nam sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Câu ngạn ngữ “Sell in May anh go away” (bán trong tháng 5 và đi chơi) xuất phát từ chứng khoán Mỹ, ám chỉ thị trường tháng 5 thường trống thông tin và hay điều chỉnh. Với thị trường chứng khoán Việt Nam, trong 11 năm qua, diễn biến tăng giảm của thị trường trong tháng 5 gần như là ngang bằng nhau (5 năm tăng và 6 năm giảm), nên nhà đầu tư cũng không quá lo sợ trong tháng này.

Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, trong 11 năm trở lại đây (từ 2006 - 2016), thị trường chứng khoán Việt Nam có 5 lần tăng điểm trong tháng 5, thậm chí có những năm tăng mạnh như 2007, 2009 và 2013. Trong 2 năm gần nhất, thị trường đều tăng điểm trong tháng 5. Trong năm 2016, VN-Index tăng 3,35% trong tháng 5 và HNX-Index cũng tăng 1,54% trong tháng này.

Trong năm nay, một trong những thông tin hỗ trợ cho thị trường cũng giống năm trước là dòng tiền ngoại chảy khá mạnh trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, tính trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 5.725 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, sau 2 tuần thận trọng trước những lo ngại về bất ổn địa chính trị, dòng tiền trong nước cũng đã chảy mạnh trở lại trong tuần cuối tháng 4, giúp thị trường hồi phục tốt. Mùa đại hội đồng cổ đông đang đi đi qua hơn nửa chặng đường với những thông tin tích cực về kế hoạch kinh doanh, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp…

Đây được xem là những thông tin tích cực giúp thị trường có thể duy trì đà tăng trong tháng 5 này. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường cũng đang đối mặt với nhiều thông tin bất lợi như tăng trưởng kinh tế không đặt như kế hoạch đặt ra, lạm phát lại đang có dấu hiệu tăng, bất ổn địa chính trị toàn cầu vẫn đang thường trực…

Nhìn lại những thông tin tác động tới thị trường trong thời gian qua và trong tháng 5 này, thì dường như những thông tin từ yếu tố bên ngoài lại có ảnh hưởng khá lớn, nhất là các yếu tố về địa chính trị. Trong tháng 5, ngoài căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang khá căng, thì Pháp sẽ tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 giữa 2 ứng cử viên là ông Mammuel Macron thuộc phái ôn hòa và đối thủ thuộc phe cực hữu, bà Marine Le Pen. Hiện ông Macron đang có lợi thế hơn, nhưng nếu bất ngờ xảy ra với chiến thắng thuộc về bà Le Pen với quan điểm “Frexit”, chứng khoán toàn cầu có thể sẽ diễn ra cuộc khủng hoảng như thời kỳ Brexit.

 Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 5 của 11 năm qua

Năm

VN-Index

HNX-Index

2006

-9,5%

-

2007

+17,06%

+1,35%

2008

-20,73%

-29,45%

2009

+27,99%

+25,33%

2010

-6,44%

-8,95%

2011

-12,29%

-16,87%

2012

-9,41%

-7,25%

2013

+9,25%

+10,73%

2014

-2,76%

-5,05%

2015

+1,27%

+0,58%

2016

+3,35%

+1,54%

Về diễn biến thị trường trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán, số năm tăng và giảm khá cân bằng. Với VN-Index là 6 lần giảm và 5 lần tăng, trong khi với HNX-Index có 6 lần giảm và 4 lần tăng.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, thống kê trong 10 năm trở lại đây, thị trường thường tăng điểm trong phiên này, thậm chí có những năm VN-Index tăng rất mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ như năm 2006 tăng 2,79%, năm 2009 tăng 4,67%, HNX-Index tăng 5,64%. Trong năm ngoái, trong khi VN-Index tăng nhẹ 0,12%, thì HNX-Index lại giảm nhẹ 0,02%.

Đặc biệt, trong các năm thị trường tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ, thị trường thường tăng trong tuần cuối cùng và phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ (năm 2006, VN-Index tăng 0,69% trong tuần trước kỳ nghỉ và tăng 1,46% trong phiên cuối trước kỳ nghỉ; năm 2009, VN-Index tăng 3,79%, HNX-Index tăng 4,36% trong tuần trước kỳ nghỉ và tăng lần lượt 1,88% và 2,72% trong phiên cuối trước kỳ nghỉ).

Trong năm nay, cả VN-Index và HNX-Index cùng tăng 0,75% trong tuần cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ và cũng cùng tăng trong phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ với VN-Index tăng 0,17%, HNX-Index tăng 0,25%.

Do đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào phiên tăng điểm tích cực trong phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ năm nay.

Diễn biến thị trường trong tuần trước và sau kỳ nghỉ lễ từ năm 2006 đến nay

Năm

Tuần trước kỳ nghỉ

Tuần sau kỳ nghỉ

VN-Index

HNX-Index

VN-Index

HNX-Index

2006

+0,69

-

-0,27%

-

2007

-4,64%

-8,96%

+2,52%

-0,48%

2008

+1,26%

+0,1%

-4,22%

-8,8%

2009

+3,79%

+4,36%

+13,68%

+14,11%

2010

+2,47%

+0,76%

-0,06%

+2,61%

2011

+5,18%

-0,41%

-1,54%

-1,07%

2012

+1,73%

+2,71%

+0,54%

+1,77%

2013

+0,27%

0%

+0,15%

+1,2%

2014

-0,16%

-0,93%

-6,15%

-7,07%

2015

-0,6%

+0,2%

-1,4%

-2,97%

2016

+0,99%

-0,32%

+1,36%

-0,38%

2017

+0,75%

+0,75%

-

-

Nhận định về diễn biến thị trường trong tháng 5, theo ông Ngô Phụng Hiệp, Giám đốc Khối nguồn vốn và đầu tư, CTCK ACBS), thị trường chứng khoán tháng 5 nhiều khả năng trầm lắng, nhưng khó có thể giảm sâu do có sự hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô cùng với mức định giá hiện tại chưa cao. Theo đó, hiện tượng “Sell in May” (bán trong tháng 5) nhiều khả năng sẽ không xảy ra và nhà đầu tư nên mua tích lũy các mã bluechips.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng Phòng Phân tích, Công ty IVS cho rằng, tháng 5 năm nay, câu nói “sell in May and go away” sẽ có thêm một lần nữa không còn chính xác.

Tuy nhiên, ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới CTCK MBS dự báo, thị trường có thể có xu hướng điều chỉnh đến giữa tháng 5, trước khi bước vào một đợt hồi phục.

Về nhóm cổ phiếu, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, CTCK Bản Việt cho rằng, những nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền trong tháng 5 tới phải có thông tin cụ thể về hoạt động doanh nghiệp, thông tin về cuộc họp đại hội đồng cổ đông, có kết quả kinh doanh quý I/2017 khả quan và doanh nghiệp đang tái cơ cấu hoạt động theo chiều hướng tốt hơn.

“Sóng” có thể tiếp tục diễn ra theo nhóm ngành, nhưng trong một nhóm ngành cụ thể sẽ có sự phân hóa rõ nét. Thực tế, cùng là nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng thị trường dành sự quan tâm đến các mã VCB, ACB nhiều hơn. Hay trong nhóm ngành thép, sự quan tâm tập trung vào các mã HPG, HSG.

Ngoài ra, còn phải kể đến các cổ phiếu trên thị trường OTC đang có thông tin về chuẩn bị lên sàn. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu có khả năng lọt vào danh mục của các quỹ ETF trong đợt tái cơ cấu lần thứ hai trong năm dự báo sẽ được giao dịch sôi động hơn vào thời điểm cuối tháng 5.

Còn theo ông Chung, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, nông nghiệp mà chưa tăng giá nhiều trong thời gian vừa qua.

Tin bài liên quan