Sau khi kết quả cuộc bầu cử chính thức đã có, giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến những phát biểu chính sách của ông Donald Trump. Phố Wall tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Năm khi Tổng thống mới đắc cử đề cập đến việc giảm thuế, tăng chi tiêu quốc phòng, cơ sở hạ tầng và bãi bỏ một số quy định chặt chẽ của ngân hàng.
Tuy nhiên, các chính sách này của ông Trump cũng gây ra những lo ngại về lạm phát, nên ngoại trừ Dow Jones duy trì đà tăng mạnh, các chỉ số chính còn lại quay đầu, trong đó Nasdaq đóng cửa trong sắc đỏ, còn S&P 500 chỉ giữ được mức tăng khiêm tốn từ mức tăng gần 1% lúc đầu.
Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Dow Jones tăng 218.19 điểm (+1,17%), lên 18.807,88 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,22 điểm (+0,20%), lên 2.167,48 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 42,28 điểm (-0,81%), xuống 5.208,80 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng vọt tăng mạnh trong nửa đầu phiên thứ Năm khi các chính sách của ông Trump được cho là có lợi cho cổ phiếu. Tuy nhiên, về cuối phiên với khả năng lo ngại lạm phát gia tăng, kèm với đó sẽ thúc đẩy Fed tăng lãi suất, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu đã đồng loạt quay đầu giảm điểm, thậm chí chứng khoán Anh còn giảm khá mạnh trong phiên này.
Kết thúc phiên 10/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 83,86 điểm (-1,21%), xuống 6.827,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 15,89 điểm (-0,15%), xuống 10.630,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 12,53 điểm (-0,28%), xuống 4.530,95 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên hoảng loạn hôm thứ Ba, các chỉ số đã trở lại một cách ngoạn mục khi chứng khoán Âu, Mỹ khởi sắc phiên hôm trước. Trong đó, chứng khoán Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 10 tháng và chứng khoán Nhật bản tăng tới hơn 6,7%.
Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 1.092,88 điểm (+6,72%), lên 17.344,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 423,92 điểm (+1,89%), lên 22.839,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 42,91 điểm (+1,37%), lên 3.171,28 điểm.
Trong khi chứng khoán khởi sắc, thì giá vàng lại chịu sức ép lớn từ việc đồng USD tăng mạnh. Mặt khác giới đầu tư cũng lo lắng về triển vọng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh hơn trong thời gian tới, bởi các chính sách ông Trump đưa ra có thể gây áp lực lên lạm phát.
Kết thúc phiên 10/11, giá vàng giao ngay giảm 19,6 USD (-1,53%), xuống 1.258.6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8,1 USD (-0,63%), xuống 1.266,4USD/ounce.
Sau khi phục hồi trong phiên thứ Tư cùng với thị trường chứng khoán khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, giá dầu thô đã giảm hơn 1% trở lại trong phiên thứ Năm khi giới đầu tư tập trung trở lại với khả năng dư cung.
Ngày 30/11 tới đây, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ họp tại Vienna (Áo) để bàn về cắt giảm sản lượng. Tổ chức này cũng đang muốn tìm được tiếng nói chung về vấn đề này với các nước ngoài OPEC, nhất là Nga, nhưng ngay trong bản thân OPEC cũng đang có sự bất đồng về việc cắt giảm sản lượng. Do đó, giới phân tích và nhà đầu tư không kỳ vọng một thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể đạt được.
Kết thúc phiên 10/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,61 USD/thùng (-1,35%), xuống 44,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,54 USD (-1,16%), xuống 45,84 USD/thùng.