Chứng khoán Mỹ trong phiên cuối tuần có diễn biến khá giống với phiên thứ Năm khi Dow Jones và S&P 500 tiếp tục giảm nhẹ do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, trong khi việc cổ phiếu Adobe tăng lên mức cao kỷ lục sau khi nhà sản xuất Photoshop công bố lợi nhuận cao, kéo chỉ số công nghệ tăng, qua đó giúp Nasdaq duy trì sắc xanh nhạt.
Số liệu kinh tế Mỹ vừa công bố cũng cho biết, sản lượng sản xuất tăng trong tháng 2 và niềm tin tiêu dùng sơ bộ của tháng 3 cũng tăng lên.
Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Dow Jones giảm 19,93 điểm (-0,10%), xuống 20.914,62 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,13 điểm (-0,13%), xuống 2.378,25 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,24 điểm (+0,00%), lên 5.901,00 điểm.
Sau tuần điều chỉnh tuần trước đó, phố Wall đã lấy lại đà tăng nhẹ trong tuần này, chủ yếu nhờ phiên khởi sắc hôm thứ Tư sau thông tin Fed tăng lãi suất như dự báo và không phát tín hiệu tăng tốc độ đà tăng trong năm nay. Cụ thể, trong tuần qua, Dow Jones tăng nhẹ 0,06%, chỉ số S&P 500 tăng 0,24% và chỉ số Nasdaq tăng tốt nhất với 0,67%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần, dù đà tăng thấp hơn 2 phiên trước đó khi giới đầu tư đang chú ý vào cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc G20 tại Đức.
Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, kết quả cuộc họp đã khiến nhiều người thất vọng khi không đạt được thỏa thuận mở cửa thương mại vì Mỹ bác bỏ cam kết mở cửa dòng hàng hóa.
Kết thúc phiên 17/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,01 điểm (+0,12%), lên 7.424,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 12,06 điểm (+0,10%), lên 12.095,24 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 15,86 điểm (+0,32%), lên 5.029,24 điểm.
Tương tự phố Wall, sau tuần điều chỉnh trước đó, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt lấy lại đà tăng trong tuần qua, thậm chí mức tăng mạnh hơn rất nhiều so với chứng khoán Mỹ. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,12%, chỉ số DAX tăng 1,10% và chỉ số CAC 40 tăng 0,72%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản sau phiên tăng nhẹ hôm thứ Năm với phản ứng với việc Fed tăng lãi suất như dự đoán và không có dấu hiệu đẩy nhanh tốc độ tăng trong năm nay, đã quay đầu giảm trong phiê thứ Sáu khi đồng yên ổn định ở mức cao so với đồng USD.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông sau phiên khởi sắc trước đó, đã hạ nhiệt trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng vẫn duy trì được sắc xanh nhạt, qua đó ghi nhận tuần tăng lớn nhất trong vòng 6 tháng, chủ yếu nhờ dòng tiền chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục và Fed quyết định tăng lãi suất như dự đoán và không tăng tốc độ tăng trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau phiên tăng tốt trước đó, chứng khoán Thượng Hải đã trả lại cả vốn lẫn lãi trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư đẩy mạnh bán ra và chờ đợi tín hiệu rõ ràng về sự phục hồi bền vững của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Kết thúc phiên 17/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 68,55 điểm (-0,35%), xuống 19.521,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 21,65 điểm (+0,09%), lên 24.309,93 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 31,62 điểm (-0,97%), xuống 3.237,31 điểm.
Chứng khoán châu Á lại có sự trái chiều trong tuần qua. Sau khi có chuỗi tuần tăng tốt, chứng khoán Nhật Bản đã điều chỉnh nhẹ trong lại trong tuần qua với chỉ số Nikkei 225 giảm 0,42%, trong khi chỉ số Hang Seng tăng 3,15%, mức tăng tốt nhất trong 6 tuần và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,76%.
Việc đồng USD giảm tiếp tục ủng hộ cho giá vàng duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 17/3, giá vàng giao ngay tăng 3 USD (+0,25%), lên 1.228,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 1,8 USD (+0,15%), lên 1.228,9 USD/ounce.
Sau tuần giảm mạnh trước đó, giá vàng đã lấy lại hết những gì đã mất trong tuần qua nhờ thị trường phản ứng tích cực với quyết định của Fed và đồng USD giảm mạnh. Cụ thể, tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 2,02% và giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 2,29%.
Với quyết định của Fed và xu hướng giảm của đồng USD, cũng như dữ liệu kinh tế khả quan từ Mỹ, giới phân tích và nhà đầu tư tiếp tục lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, trong 18 nhà môi giới và phân tích tham trả lời trong cuộc thăm dò lần này, có 11 người chiếm 61% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, trong khi chỉ có 2 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 11% và 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, tương đương 28%.
Tương tự, trong số 1.965 lượt người tham gia bình chọn trực tuyến, có 1.348 người, chiếm 69% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn nhiều so với con số 58% của tuần trước đó. Ngược lại, có 392 người, chiếm 20% cho rằng giá vàng sẽ giảm và 225 người, chiếm 11% giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu thô hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần trước khi giới đầu tư đang cân nhắc về việc OPEC cắt giảm sản lượng so với việc sản lượng tăng thêm của Mỹ.
Kết thúc phiên 17/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,03 USD/thùng (+0,06%), lên 48,78 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,02 USD (+0,04%), lên 51,76 USD/thùng.
Sau khi mất gần 10% trong tuần trước do lo ngại OPEC sẽ không thực hiện tiếp việc cắt giảm sản lượng, giá dầu thô đã hồi nhẹ trong tuần qua nhờ đồng USD giảm và OPEC và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng. Cụ thể, giá dầu thô Mỹ tăng 0,60% và giá dầu thô Brent tăng 2,23%.