Phố Wall đóng cửa gần như không đổi trong phiên thứ Năm (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall đóng cửa gần như không đổi trong phiên thứ Năm (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán, dầu thô hạ nhiệt, vàng vẫn chưa có cửa hồi phục

(ĐTCK) Sau 2 phiên tăng mạnh, chứng khoán Âu, Mỹ đã hạ nhiệt trở lại trong phiên thứ Năm, trong khi giá dầu thô đang gặp khó khăn ở ngưỡng 50 USD/thùng. Dù chứng khoán hạ nhiệt, nhưng giá vàng tiếp tục có phiên giảm và vẫn ở mức thấp nhất 7 tuần.

Dữ liệu mới công bố cho thấy, trong khi đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền của Mỹ tăng trong tháng 4, thì kế hoạch chi tiêu kinh doanh tiếp tục cho thấy dấu hiệu của sự yếu đuối.

Với các dữ liệu kinh tế tích cực liên tiếp được công bố trước đó, giới đầu tư đã thấy thoải mái hơn với khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6. Tuy nhiên, sau 2 phiên tăng mạnh liên tiếp, phố Wall đã lình xình trở lại trong phiên thứ Năm do chịu tác động trái chiếu từ nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu và nhóm cổ phiếu tiện ích.

Kết thúc phiên 26/5, chỉ số Dow Jones giảm 23,22 điểm (-0,13%), xuống 17.828,29 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,44 điểm (-0,02%), xuống 2.090,10 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,88 điểm (+0,14%), lên 4.901,77 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng phiên thứ 3 liên tiếp, nhưng đà tăng hạ nhiệt hơn so với 2 phiên trước khi nhóm cổ phiếu ngân hàng hạ nhiệt với những lo ngại từ một nhà băng tại Tây Ban Nha. Ngoài ra, nỗi lo Brexit cũng khiến giơí đầu tư thận trọng trở lại.

Kết thúc phiên 26/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 2,8 điểm (+0,04%), lên 6.265,65 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 67,50 điểm (+0,66%), lên 10.272,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 31,00 điểm (+0,69%), lên 4.512,64 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông cũng yếu đà về cuối phiên khi các nước G7 không tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra các gói kích thích kinh tế. Ngoài ra, việc đồng yên tăng trở lại so với đồng USD, gây lo ngại về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tác động tiêu cực tới chứng khoán Nhật Bản. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc sau chuỗi ngày giảm liên tiếp đã phục hồi nhẹ trở lại trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 26/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 15,11 điểm (+0,09%), lên 16.772,46  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 29,06 (+0,14%), lên 20.397,11 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 7,36 điểm (+0,26%), lên 2.822,44 điểm.

Việc chứng khoán có dấu hiệu đảo chiều giúp giá vàng phục hồi khá tốt trong nửa đầu phiên thứ Năm, tuy nhiên về cuối phiên, khi giá dầu thô đảo chiều, giá vàng cũng giảm theo và kết thúc phiên với phiên giảm tiếp theo, ở mức thấp nhất 7 tuần.

Kết thúc phiên 26/5, giá vàng giao ngay giảm 4,5 USD (-0,37%), xuống 1.219,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 3,4 USD (-0,28%), xuống 1.220,4 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên thứ Năm, vượt qua mốc 50 USD/thùng, lên mức cao nhất trong năm 2016. Tuy nhiên, dường như đây đang là mốc kháng cự mạnh với giá nhiên liệu này, bởi khi giá dầu thô vượt ngưỡng 50 USD/thùng, áp lực bán đã diễn ra mạnh, đẩy giá dầu quay đầu giảm trở lại.

Ngoài ra, với mức giá trên 50 USD/thùng, giới đầu tư lo ngại sẽ kích hoạt hoạt động sản xuất, làm tăng thêm nguy cơ bội cung.

Kết thúc phiên 26/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,08 USD (-0,16%), xuống 49,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,15 USD (-0,30%), xuống 49,59 USD/thùng.

Tin bài liên quan