Phố Wall tiếp tục tăng điểm phiên thứ 2 liên tiếp trong phiên thứ Năm nhờ giá dầu thô tăng lên mức cao nhất 6 tuần, giúp nhóm cổ phiếu năng lượng khởi sắc. Ngoài ra, kết quả kinh doanh khả quan của đại gia bán lẻ Wal-Mart cũng hỗ trợ cho sắc xanh của phố Wall. Tuy nhiên, đà tăng không mạnh do bị ngăn cản bởi nhóm cổ phiếu viễn thông.
Kết thúc phiên 18/8, chỉ số Dow Jones tăng 23,76 điểm (+0,13%), lên 18.597,70 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,8 điểm (+0,22%), lên 2.187,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 11,49 điểm (+0,22%), lên 5.240,15 điểm.
Sau 2 phiên giảm liên tiếp, chứng khoán châu Âu đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm nhờ nhóm cổ phiếu tài chính lớn và các cổ phiếu công nghiệp.
Về thông tin kinh tế, theo dữ liệu vừa công bố, lạm phát trong khu vực đồng euro trong tháng 7 giảm 0,6% so với tháng 6, nhưng tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Các dữ liệu khác cũng cho thấy, mức lạm phát của khu vực này vẫn ở dưới mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đặt ra.
Kết thúc phiên 18/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,81 điểm (+0,14%), lên 6.868,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm tăng 65,36 điểm (+0,62%), lên 10.603,03 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 19,38 điểm (+0,44%), lên 4.437,06 điểm.
Sau khi ổn định trở lại trong ngày thứ Tư, đồng yên đã tăng vọt trở lại trong ngày thứ Năm, kéo chứng khoán Nhật Bản giảm sâu. Trong phiên này, chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 1,5%, đóng cửa ở mức thấp nhất 2 tuần. Trong khi đó, phản ứng tích cực với biên bản cuộc họp tháng 7 vừa được công bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chứng khoán Hồng Kông lại hồi mạnh trong phiên thứ Năm. Ngoài ra, hiện mọi con mắt nhà đầu tư đang dồn về quyết định liên thông giữa sàn Thâm Quyến và Hồng Kông, nhưng thông tin này chưa chính thức được công bố. Các nhà đầu tư kỳ vọng nó sẽ được đưa ra trước Giáng sinh năm nay.
Kết thúc phiên 18/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 259,63 điểm (-1,55%), xuống 16.486,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 223,38 điểm (+0,98%), lên 23.023,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 5,23 điểm (-0,17%), xuống 3.104,32 điểm.
Trong phiên thứ Năm, đồng USD tiếp tục có phiên giảm thứ 5 liên tiếp và ở mức thấp nhất 8 tuần so với rổ tiền tệ chung sau biên bản cuộc họp của Fed cho thấy, cơ quan này sẽ không sớm tăng lãi suất.
Đà trượt dài của đồng USD đã hỗ trợ tích cực cho các hàng hóa được định giá bằng đồng bạc này, trong đó có vàng. Do vậy, dù không có thông tin hỗ trợ, giá vàng vẫn duy trì đà tăng nhẹ trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 18/8, giá vàng giao ngay tăng 3,7 USD (+0,27%), lên 1.352,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 8,4 USD (+0,62%), lên 1.357,2 USD/ounce.
Việc đồng USD đang ở mức thấp nhất 8 tuần, cùng với việc các nhà sản xuất dầu lớn sắp gặp nhau để bàn về việc đóng băng sản lượng giúp giá dầu thô tiếp tục có phiên tăng giá thứ 6 liên tiếp, trong đó giá dầu thô Brent vượt quan ngưỡng 50 USD/thùng, đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2016, còn giá dầu thô Mỹ cũng ở mức cao nhất 6 tuần.
Kết thúc phiên 18/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,44 USD/thùng (+3,08%), lên 48,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,89 USD (+1,78%), lên 50,82 USD/thùng.