Sau phiên tăng mạnh thứ Tư, phố Wall đã có phiên điều chỉnh trong phiên thứ Năm, cả 3 chỉ số chính đều chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa và kéo dài trong gần suốt phiên. Tuy nhiên, về cuối phiên, với thông tin Tổng thống Donald Trump đang hướng tới việc giới thiệu ông Jerome Powell giữ ghế Chủ tịch Fed thay thế bà Janet Yellen sắp hết nhiệm kỳ đã giúp Dow Jones và S&P 500 hồi trở lại và đóng cửa với sắc xanh nhạt. Ông Powell được cho là sẽ nối tiếp chính sách giống người tiền nhiệm Yellen với chính sách tiền tệ “bồ câu”.
Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq không kịp trở lại vạch xuất phát do chịu ảnh hưởng từ đà sụt giảm sâu của cổ phiếu Apple khi cổ phiếu của đại gia này giảm tới 2,4% do những dấu hiệu cho thấy doanh số bán iPhone 8 không tốt như kỳ vọng.
Kết thúc phiên 19/10, chỉ số Dow Jones tăng 5,44 điểm (+0,02%), lên 23.163,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,84 điểm (+0,03%), lên 2.562,10 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19,15 điểm (-0,29%), xuống 6.605,07 điểm.
Chứng khoán châu Âu sau phiên tăng tốt trước đó, đã đồng loạt giảm trở lại với phiên giảm mạnh nhất trong 2 tháng, trả lại gần hết những gì đã có trước lo ngại về khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha và kết quả kinh doanh kém khả quan của các công ty lớn như Unilever, France's Publicis và Kion của Đức.
Kết thúc phiên 19/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 19,83 điểm (-0,26%), xuống 7.523,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 52,93 điểm (-0,41%), xuống 12.990,10 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 15,52 điểm (-0,29%), xuống 5.368,29 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 13 liên tiếp, chuỗi tăng kéo dài nhất kể từ năm 1988 và vẫn ở mức cao nhất 21 năm nhờ giới đầu tư phản ứng tích cực với phiên bùng nổ trước đó của phố Wall.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đồng loạt giảm, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông bị bán tháo mạnh trong phiên thứ Năm sau thông tin tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc ở mức 6,8%, thấp hơn mức 6,9% của quý II. Nhóm cổ phiếu bất động sản bị bán tháo khi giới đầu tư lo lắng các biện pháp kiểm soát thị trường của Bắc Kinh sẽ khiến thanh khoản thị trường này sụt giảm trong năm tới.
Kết thúc phiên 19/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 85,47 điểm (+0,40%), lên 21.448,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 552,67 điểm (-1,92%), lên 28.159,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,62 điểm (-0,34%), xuống 3.370,17 điểm.
Sau chuỗi giảm mạnh liên tiếp, giá vàng đã hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Năm khi đồng USD giảm trở lại và chứng khoán mất đà tăng. Ngoài ra, khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha gia tăng cũng hỗ trợ cho giá vàng bật trở lại trong phiên thứ Năm.
Kết thúc phiên 19/10, giá vàng giao ngay tăng 9,2 USD/ounce (+0,72%), lên 1.289,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 9,2 USD/ounce (+0,72%), lên 1.291,9 USD/ounce.
Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên thứ Năm sau 4 phiên tăng liên tiếp trước đó với sự hỗ trợ bởi căng thẳng ở Trung Đông. Tuy nhiên, trong phiên thứ Năm, các thông tin hỗ trợ đã hết, trong khi xuất hiện các thông tin ảnh hưởng tiêu cực lên giá nhiên liệu này. Theo đó, có thông tin Chính phủ Iraq đã dành lại thành phố Kirkuk - thành phố sản xuất dầu lớn của Iraq từ tay người Kurd. Trong khi đó, dữ liệu cho thấy, hàng tồn kho tuần trước của Mỹ tăng đột biến và sản xuất dầu tinh luyện bất ngờ sụt giảm do nhu cầu giảm.
Kết thúc phiên 19/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,75 USD (-1,46%), xuống 51,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,92 USD (-1,61%), xuống 57,23 USD/thùng.