Sau chuỗi tăng giá ấn tượng sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng bất ngờ của tỷ phú Donald Trump, nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Tư, kéo chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm theo, trong đó chỉ số Dow Jones cũng chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.
Trong khi đó, đà phục hồi mạnh phiên thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu công nghệ với tâm điểm chính là cổ phiếu củ 2 đại gia Microsoft và Apple, giúp Nasdaq duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư.
Về thông tin kinh tế, báo cáo mới công bố cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 của Mỹ không thay đổi so với tháng trước, thấp hơn kỳ vọng tăng 0,3% của thị trường. PPI trừ thực phẩm và năng lượng trong tháng 10 giảm 0,2%.
Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Dow giảm 54,92 điểm (-0,29%), xuống 18.868,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,45 điểm (-0,16%), xuống 2.176,94 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,96 điểm (+0,36%), lên 5.294,58 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều giảm trở lại trong phiên thứ Tư do nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính điều chỉnh. Ngoài ra, chứng khoán khu vực còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm hóa chất, do ảnh hưởng từ việc cổ phiếu của đại gia Bayer giảm 4,2% sau khi tập đoàn hóa chất này phát hành tới 4 tỷ euro trái phiếu để tài trợ cho việc thâu tóm Công ty Monsanto.
Kết thúc phiên 16/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 43,02 điểm (-0,63%), xuống 6.749,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 71,27 điểm (-0,66%), xuống 10.663,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 35,39 điểm (-0,78%), xuống 4.501,14 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên giảm liên tiếp những ngày qua đã hỗ trợ tích cực cho chứng khoán Nhật Bản. Trong phiên thứ Tư, chỉ số Nikkei 225 đã tăng mạnh lên mức cao nhất 9 tháng rưỡi. Trong khi chứng khoán Hồng Kông đảo chiều và mất điểm vào những phút cuối phiên do nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản giảm. Nhóm cổ phiếu bất động sản giảm do nỗi lo tăng lãi suất thế chấp đối với lĩnh vực này. Trong khi chứng khoán Trung Quốc giảm do ảnh hưởng với sự sụt giảm mạnh trên các thị trường hàng hóa tương lai.
Kết thúc phiên 16/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 194,06 điểm (+1,10%), lên 17.862,21 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 1/2. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 43,38 điểm (-0,19%), xuống 22.280,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,93 điểm (-0,06%), xuống 3.205,06 điểm.
Thông tin về chỉ số PPI của Mỹ làm giảm bớt lo lắng về lạm phát của Mỹ, qua đó cũng giảm mối lo về khả năng Fed tăng lãi suất mạnh trong thời gian tới, giúp giá vàng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, với việc đồng USD chưa ngừng tăng khiến giá kim loại quý điều chỉnh và đóng cửa phiên giao dịch Mỹ với mức giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 16/11, giá vàng giao ngay giảm 3,4 USD (-0,28%), xuống 1.225,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,6 USD (-0,05%), xuống 1.223,9 USD/ounce.
Giá dầu thô đóng cửa ít thay đổi trong phiên giao dịch đầy biến ộng thứ Tư khi nhận các thông tin trái ngược nhau.
Thông tin Nga sẵn sàng làm việc với Ả Rập Xê út để bàn về thỏa thuận đóng băng sản lượng hỗ trợ cho giá dầu thô, tuy nhiên thông tin về kho dữ trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh tuần trước khiến giá nhiên liệu này đảo chiều.
Cụ thể, theo Cơ quan Năng lượng Mỹ, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh tuần thứ 3 liên tiếp vói mức tăng 5,3 triệu thùng, cao hơn so với mức dự báo tăng 1,5 triệu thùng của giới phân tích.
Kết thúc phiên 16/11, giá dầu thô Mỹ tăng 0,07 USD/thùng (+0,15%), lên 45,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,04%), xuống 46,93 USD/thùng.