Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán, dầu thô có tuần khởi sắc

(ĐTCK) Nhờ kết quả kinh doanh khả quan, chứng khoán toàn cầu đã có tuần giao dịch khởi sắc. Trong khi đó, phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út giúp giá dầu thô có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 4.

Sau 2 phiên tăng điểm tốt nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp được công bố và giá dầu tăng mạnh, phố Wall đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần sau dữ liệu kinh tế kém khả quan.

Cụ thể, doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ kém trong tháng 7 khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, chi phí sản xuất giảm 0,4% trong tháng 7, tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 3 và mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2015 do giá dịch vụ giảm và giá năng lượng thấp. Dữ liệu này khiến khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 khó xảy ra, qua đó giúp chặn đà giảm của phố Wall.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Dow Jones giảm 37,05 điểm (-0,2%), xuống 18.576,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,74 điểm (-0,08%), xuống 2.184,05 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,5 điểm (+0,09%), lên 5.232,90 điểm.

Dù giảm nhẹ phiên cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn duy trì được đà tăng trong tuần qua, dù mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,18%, S&P 500 tăng 0,05% và Nasdaq tăng 0,23%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố như A.P Moller-Maerk tiếp tục giúp chứng khoán châu Âu tăng điểm.

Cho đến nay, 88% số công ty trong chỉ số Stoxx 600 đã báo cáo kết quả, trong đó 61% có EPS bằng hoặc vượt dự báo. Tuy nhiên, EPS trong quý II/2016 vẫn giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc có nhiều doanh nghiệp có EPS bằng hoặc vượt dự báo là do các mức dự báo đưa ra thấp hơn so với mức đạt được của cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, khi lên mức cao nhất 7 tuần, áp lực chốt lời, cùng với ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu mỏ khi giá kim loại giảm sâu sau thông tin kém tích cực từ Trung Quốc.

Cụ thể, số liệu vừa công bố cho thấy, tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong tháng 7 giảm xuống còn 8,1%, khiến sản lượng công nghiệp tăng 6%.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,31 điểm (+0,02%), lên 6.916,02 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 29,41 điểm (-0,27%), xuống 10.713,43 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,76 điểm (-0,08%), xuống 4.500,19 điểm.

Dù điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần, nhưng với những phiên khởi sắc trong tuần nhờ giá dầu thô hồi phục và kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu đều tăng mạnh trong tuần. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 chấm dứt 2 tuần giảm liên tiếp bằng tuần tăng 3,32%, trong khi DAX duy trì đà tăng với mức tăng 3,34% và CAC 40 cũng tăng trở lại 2,03% sau khi giảm 0,66% tuần trước.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, hiệu ứng tích cực từ phiên giao dịch 2 phiên trước đó trên thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ, cùng với việc đồng yên giảm, giúp chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh khi giao dịch trở lại trong phiên cuối tuần.

Cũng ảnh hưởng tích cực từ phố Wall trong phiên trước, chứng khoán Hồng Kông cũng duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần và lên mức đóng cửa cao nhất 9 tháng trong phiê cuối tuần. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng khởi sắc trở lại trong phiên cuối tuần sau 2 phiên điều chỉnh liên tiếp.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 184,8 (+1,10%), lên 16.919,92 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 186,36 điểm (+0,83%), lên 22.766,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 48,38 điểm (+1,61%), lên 3.051,02 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng tới 5,21%, sau khi giảm 2,94% trong tuần trước do đồng yên tăng giá. Chỉ số Hang Seng cũng tăng 2,8% sau khi tăng 1,16% trong tuần trước và chỉ số Shanghai Composite có mức tăng 2,03% sau chuỗi tuần giảm liên tiếp.

Với dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố kém khả quan, giá vàng đã tăng vọt khi bước vào phiên giao dịch Mỹ trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, khi giá kim loại quý gần chạm mức 1.355 USD/ounce, áp lực chốt lời diễn ra mạnh, cùng với việc đồng USD hồi phục từ mức thấp nhất 10 ngày khiến giá vàng đảo chiều và đóng cửa giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 12/8, giá vàng giao ngay giảm 2,6 USD (-0,60%), xuống 1.335,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8,3 USD (-0,62%), xuống 1.341,7 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay gần như không đổi khi chỉ tăng 0,02%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm nhẹ 0,59%.

Dù giảm có 2 phiên giảm cuối tuần, nhưng với khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong thời gian tới, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều có cái nhìn lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần giao dịch mới.

Cụ thể, trong số 17 nhà phân tích và môi giới trả lời tuần này, có 12 người, chiếm 71% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần mới, trong khi chỉ có 4 người, chiếm 24% dự báo giá kim loại quý sẽ giảm và 1 người giữ quan điểm trung lập.

Tương tự, trong số 830 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, cũng có tới 549 người, chiếm 66% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chỉ có 156 người, chiếm 19% dự báo giảm và 125 người, chiếm 15% giữ quan điểm trung lập hoặc dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Trên thị trường dầu mỏ, phát biểu trước đó của Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê út về khả năng OPEC và các nước ngoài OPEC bàn về kế hoạch đóng băng sản lượng trong cuộc họp tháng 9 tới tiếp tục tiếp sức cho giá dầu, giúp giá dầu thô tiếp tục tăng hơn 2% trong phiên cuối tuần, sau khi đã tăng gần 5% trong phiên thứ Năm.

Hai phiên tăng điểm mạnh cuối tuần đã giúp giá dầu thô có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2016.

Kết thúc phiên 12/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,00 USD/thùng (+2,25%), lên 44,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,93 USD (+1,98%), lên 46,97 USD/thùng.

Với 2 phiên phục hồi mạnh cuối tuần, giá dầu thô đã lấy lại được đà tăng trong tuần, trong đó giá dầu thô Mỹ tăng 6,44% và dầu thô Brent tăng 6,10%.

Tin bài liên quan