Dữ liệu việc làm khả quan được công bố hôm thứ Sáu tuần trước tiếp tục ám ảnh nhà đầu tư với nỗi lo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 6 đang hiện hữu. Ngày 18/3 tới, Ủy ban thị trường mở thuộc Fed (FOMC) sẽ có cuộc họp chính sách thường kỳ và nhiều nhà đầu tư lo ngại trong cuộc họp này, quyết định tăng lãi suất sẽ được đưa ra.
Trước đó, phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết, Fed không ấn định thời gian cụ thể cho việc tăng lãi suất, quyết định tăng lãi suất có thể diễn ra ở bất kỳ cuộc họp nào và dựa với những dữ liệu cơ bản có được tại thời điểm đó.
Những lo ngại này đã khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ bán tháo trong phiên thứ Ba sau khi trấn tĩnh trở lại trong phiên đầu tuần. Phiên bán tháo này khiến các chỉ số chính của phố Wall đều giảm trên 1,5%, trong đó, S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng với toàn bộ 10 chỉ số thành phần của S&P đều giảm điểm.
Kết thúc phiên 10/3, chỉ số Dow Jones giảm 332,78 điểm (-1,85%), xuống 17.662,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 35,27 điểm (-1,70%), xuống 2.044,16 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 82,64 điểm (-1,67%), xuống 4.859,80 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng không tránh khỏi phiên giảm mạnh trong ngày thứ Ba khi hàng loạt tin xấu bao trùm lên chứng khoán. Giá dầu giảm mạnh kéo cổ phiếu năng lượng đi xuống, thông tin từ Mỹ khiến giới đầu tư lo lắng, giống nhà đầu tư trên phố Wall. Trong khi đó, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu còn có mối lo nữa là từ cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp, khi thỏa thuận về gia hạn nợ cho Hy Lạp thêm 4 tháng nữa đạt được 2 tuần trước có khả năng bị phá vỡ khi các quan chức EU không hài lòng với bảng danh sách các cải cách mà Athens đưa ra.
Kết thúc phiên 10/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 173,63 điểm (-2,52%), xuống 6.702,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 81,73 điểm (-0,71%), xuống 11.500,38 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 55,25 điểm (-1,12%), xuống 4.881,95 điểm.
Do ngại về khả năng Fed tăng lãi suất, cùng với mối quan tâm về cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp và áp lực giảm phát ở Trung Quốc cũng khiến chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên thứ Ba. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản dù mở đầu phiên với mức tăng khá tốt, nhưng sau đó, ảnh hưởng thông tin từ Âu, Mỹ khiến chỉ số Nikkei 225 quay đầu giảm điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất gần 2 tuần. Trong khi đó, ngoài nỗi lo từ bên ngoài, những ái ngại khả năng kinh tế Trung Quốc chậm lại khiến chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cũng giảm khá mạnh trong phiên này, trong đó, chứng khoán Hồng Kông đóng cửa ở mức thấp nhất gần 2 tháng.
Kết thúc phiên 10/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 125,44 điểm (-0,67%), xuống 18.665,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 226,07 điểm (-0,94%), xuống 23.896,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 16,34 điểm (-0,49%), xuống 3.286,07 điểm.
Trên thị trường kim loại quý, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng trong phiên châu Á, giá vàng bắt đầu hồi phục mạnh trong phiên châu Âu và đầu phiên Mỹ, lên 1.170 USD/ounce. Tuy nhiên, lo ngại về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 khiến đồng USD tăng lên mức cao nhất 12 năm so với đồng euro và qua đó đẩy giá vàng thoái lui trở lại. Kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Ba, vàng tiếp tục có phiên giảm thứ 7 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 3 tháng rưỡi.
Kết thúc phiên 10/3, giá vàng giao ngay giảm 5,4 USD (-0,46%), xuống 1.161,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 6,4 USD/ounce (-0,55%), xuống 1.160,1 USD/ounce.
Đồng USD mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực lên giá dầu thô. Trong phiên thứ Ba, cả dầu thô Mỹ và dầu thô Brent đều giảm hơn 3,5% do sức ép của đồng USD mạnh.
Kết thúc phiên 10/3, giá dầu thô Mỹ giảm 1,71 USD/thùng (-3,54%), xuống 48,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,14 USD (-3,79%), xuống 56,39 USD/thùng.