Trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, phố Wall lúc đầu phiên có sự hồi phục khá tốt khi giá hàng hóa tăng trở lại sau chuỗi giảm mạnh trước đó do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc.
Ngoài ra, chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng 9 của Mỹ tăng lên mức 103,1 so với mức 101,3 trong tháng 8, mức cao nhất kể từ tháng Giêng cũng phần nào hỗ trợ cho tâm lý của giới đầu tư trên phố Wall. Tuy nhiên, điều này cũng khiến giới đầu tư lo lắng về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 10 này.
Giới đầu tư chờ đợi bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed vào ngày thứ Tư sau khi một số quan chức khác của cơ quan hoạch định chính sách này đưa ra các thông điệp trái ngược nhau về việc tăng lãi suất cũng khiến giới đầu tư thận trọng. Chưa kể, thông tin quan trọng nhất về dữ liệu kinh tế Mỹ còn ở phía trước là dữ liệu việc làm sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Ngoài ra, dù hồi phục trở lại, nhưng giá các loại hàng hóa vẫn đứng ở mức thấp trong nhiều năm. Cùng với đó, đà hồi phục của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học cũng bị dập tắt sau đó khiến phố Wall bị hãm đà tăng và chỉ may mắn mới có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa trong phiên giao dịch đầy biến động này.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Dow Jones tăng 47,24 điểm (+0,30%), lên 16.049,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,32 điểm (-0,12%), lên 1.884,09 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 26,65 điểm (-0,59%), xuống 4.517,32 điểm.
Trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Âu lại mở cửa phiên thứ Ba giảm mạnh hơn 1% sau khi đã mất hơn 2% trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, sau đó các chỉ số chính của khu vực hồi phục dần nhờ cổ phiếu của đại gia khai thác mỏ Glencore hồi phục sau khi mất gần 1/3 giá trị trong phiên đầu tuần do ảnh hưởng của vấn đề nợ xấu.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 49,62 (-0,83%), xuống 5.909,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 33,15 điểm (-0,35%), xuống 9.450,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 13,32 điểm (-0,31%), xuống 4.343,73 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, do ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán Âu, Mỹ trong phiên trước đó, cùng lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, các thị trường chứng khoán chủ chốt trong khu vực đều lao dốc mạnh, đặc biệt là chứng khoán Nhật Bản.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 714,27 điểm (-4,05%), xuống 16.930,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 629,72 điểm (-2,97%), xuống 20.556,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 62,62 điểm (-2,02%), xuống 3.038,14 điểm.
Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên thứ Ba sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ tiếp tục khả quan, làm tăng khả năng Fed tăng lãi suất. Chính lo lắng này đã làm lu mờ đi vai trò trú ẩn an toàn của vàng khi thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo ồ ạt.
Kết thúc phiên 29/9, giá vàng giao ngay giảm 4,4 USD (-0,39%), xuống 1.127,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,9 USD (-0,43%), xuống 1.126,8 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô lại hồi phục gần 2% trong phiên thứ Ba, nhưng đà tăng bị đe dọa sau khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần qua.
Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô cuả Mỹ tăng 4,6 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 25/9, đạt 457,8 triệu thùng, cao hơn nhiều so với con số 102.000 thùng mà giới phân tích dự đoán trước đó.
Kết thúc phiên 29/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,8 USD/thùng (+1,77%), lên 45,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,89 USD (+1,85%), lên 48,23 USD/thùng.