Trong phiên giao dịch hôm qua, thị trường tiếp nhận thông tin bổ sung trước khi dữ liệu quan trọng nhất là bảng lương phi nông nghiệp được công bố. Theo đó, thất nghiệp hàng tuần của Mỹ đứng ở 278.000, cao hơn mức 267.000 của tuần trước, nhưng thấp hơn mức dự báo 290.000. Năng suất phi nông nghiệp giảm 1,8%, trong khi giới phân tích dự báo là tăng 0,5%.
Ngoài ra, theo một cuộc khảo sát của Reuters, bảng lương phi nông nghiệp tháng 1/2015 có thể tăng 234.000 việc làm, sau khi tăng 252.000 trong tháng trước đó. Nếu đúng như vậy, thì đây là tháng thứ 12 liên tiếp, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ trên con số 200.000. Một dấu hiệu có thấy thị trường việc làm ổn định, bất chấp nền kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại.
Thông tin quan trọng nhất ở bên ngoài là thông tin từ châu Âu với tình hình về Hy Lạp. Hiện cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ vẫn đang diễn ra cho thấy, tình hình có vẻ bớt tiêu cực hơn sau khi ECB tuyên bố không mua lại trái phiếu chính phủ của Hy Lạp vì không còn đủ khả năng làm tài sản đảm bảo trước đó.
Bên cạnh đó, sau khi có phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử do thông tin kho dự trữ dầu của Mỹ tăng lên mức kỷ lục hôm 4/2, giá dầu thô đã hồi phục mạnh hơn 4% trở lại trong phiên thứ Năm, qua đó giúp nhóm cổ phiếu năng lượng lấy lại đà tăng.
Những thông tin khả quan trong giúp phố Wall có phiên hồi phục tốt sau phiên giảm trước đó với mức tăng của các chỉ số đều trên 1%.
Kết thúc phiên 5/2, chỉ số Dow Jones tăng 211,86 điểm (+1,20%), lên 17.884,88 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 21,01 điểm (+1,03%), lên 2.062,52 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 48,39 điểm (+1,03%), lên 4.765,10 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, nỗi lo về tình hình Hy Lạp sau quyết định của ECB khiến các thị trường chứng khoán của khu vực chìm trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên Thứ Năm, trong đó, cổ phiếu ngân hàng Hy Lạp lao dốc trở lại. Tuy nhiên, về cuối phiên, cùng với đà hồi phục của giá dầu và thông tin từ Mỹ, cũng như từ chính khu vực, chứng khoán châu Âu đã hồi trở lại. Một số thị trường đã vượt qua tham chiếu, trong khi các thị trường giảm cũng chỉ là mức tối thiểu.
Thông tin tích cực liên quan đến khu vực này là Liên minh châu Âu hôm thứ Năm đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung. Cụ thể, Ủy ban châu Âu cho biết, GDP khu vực đồng euro trong năm nay tăng 1,3% và tăng 1,9% trong năm 2016, so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 11/2014 là 1,1% và 1,7%. Lý do cho thay đổi này theo Ủy ban châu Âu là do sự giảm giá của dầu và đồng tiền euro yếu.
Kết thúc phiên 5/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,91 điểm (+0,09%), lên 6.865,93 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 5,91 điểm (-0,05%), xuống 10.905,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7 điểm (+0,15%), lên 4.703,30 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản giảm trở lại sau quyết định cứng rắn của ECB đối với Hy Lạp được đưa ra trong phiên giao dịch châu Âu trước đó. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vừa công bố không như kỳ vọng cũng góp phần kéo chứng khoán Nhật Bản giảm trở lại. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau mấy phút hưng phấn đầu phiên với quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, giới đầu tư đã dần nhận ra rằng, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo, nên nhanh chóng bán ra, kéo chứng khoán Trung Quốc đảo chiều và có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 5/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 174,12 điểm (-0,98%), xuống 17.504,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 85,73 điểm (+0,35%), lên 24.765,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 37,59 điểm (-1,18%), xuống 3.136,53 điểm.
Giá vàng giảm trong phiên 5/2 do thị trường chứng khoán tăng mạnh với các thông tin có phần khả quan của kinh tế châu Âu. Trong khi giới đầu tư đang chờ đợi những thông tin quan trọng về việc làm Mỹ sẽ được công bố vào phiên cuối tuần. Tuy nhiên, vào cuối phiên Mỹ, giá vàng đã hồi trở lại, hãm bớt đà giảm khi đồng USD giảm, trong khi giá dầu tăng mạnh trở lại.
Kết thúc phiên 5/2, giá vàng giao ngay giảm 4,4 USD (-0,35%), xuống 1.264,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 1,8 USD/ounce (-0,14%), xuống 1.262,7 USD/ounce.
Sau phiên lao dốc mạnh hôm thứ Tư do thông tin từ kho dự trữ dầu của Mỹ tăng mạnh lên mức kỷ lục 35 năm được công bố, giá dầu thô đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trong phiên thứ Năm. Ngoài ra, phương Tây và Nga đang nỗ lực tìm một giải pháp cho vấn đề Ukraine, cũng như mối quan hệ giữa 2 bên cũng giúp giảm bớt nỗi lo căng thẳng về giá dầu, điều ngược lại do với lúc cuộc khủng hoảng Ukraine mới bắt đầu.
Theo giới phân tích, giá dầu đã chạm đáy và đang trên đà hồi phục trở lại, tuy nhiên, giá loại nhiên liệu này vẫn trong giai đoạn dễ bị tổn thương, nên sẽ có những phiên biến động bất thường, phụ thuộc vào các thông tin tác động.
Kết thúc phiên 5/2, giá dầu thô Mỹ tăng 2,03 USD/thùng (+4,02%), lên 50,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,41 USD (+4,26%), lên 56,57 USD/thùng.