Cổ phiếu năng lượng kéo phố Wall đảo chiều - Ảnh: Reuters

Cổ phiếu năng lượng kéo phố Wall đảo chiều - Ảnh: Reuters

Chứng khoán đảo chiều, vàng “nhảy múa”

(ĐTCK) Sau 2 phiên tăng liên tiếp, phố Wall đã điều chỉnh trở lại trong phiên 12/8 do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm mạnh. Ngoài ra, với 2 phiên tăng liên tiếp vừa qua cũng kích thích nhiều nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn, cũng là tác nhân kéo các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đảo chiều.
Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng như hiện nay, rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào khi một trong các bên không giữ được sự tỉnh táo cần thiết. Khi một cuộc chiến được châm ngòi, chứng khoán chắc chắn sẽ bị bán tháo, vì vậy, không nhiều nhà đầu tư nắm giữ dài hạn trong bối cảnh hiện nay.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Dow Jones giảm 9,44 điểm (-0,06%), xuống 16.560,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,17 điểm (-0,16%), xuống 1.933,75 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,08 điểm (-0,27%), xuống 4.389,25 điểm.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng điều chỉnh giảm trở lại trong phiên thứ Ba, trong đó, chứng khoán Đức có mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 1/8 do thông tin kinh tế kém khả quan.

Theo thông tin vừa được công bố, chỉ số ZEW đo niềm tin kinh tế Đức giảm xuống 8,6 trong tháng 8 từ mức 27,1 trong tháng 7, mức sụt giảm tháng thứ 8 liên tiếp và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2012. Nhiều người lo ngại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với những khó khăn do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.

Khác với nhiều quốc gia EU khác, Đức có mối quan hệ kinh tế rất mạnh với Nga, nhiều tập đoàn Đức đang đầu tư hiệu quả ở Nga. Vì vậy, lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ với Nga khiến nhiều tập đoàn kinh tế của Đức chịu thiệt hại và ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,4 điểm (-0,01%), xuống 6.632,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 111,27 điểm (-1,21%), xuống 9.069,47 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 35,54 điểm (-0,85%), xuống 4.162,16 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục duy trì đà tăng, nhưng chỉ còn giữ ở mức khiêm tốn. Giới đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán Nhật Bản chuyển hướng quan tâm sang cổ phiếu thép, bù đắp những lo ngại về căng thẳng địa chính trị.

Kết thúc phiên 12/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 30,79 điểm (+0,20%), lên 15.161,31 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 43,39 điểm (+0,18%), lên 24.689,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,06 điểm (-0,14%), xuống 2.221,59 điểm.

Lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị, giá vàng một lần nữa lại tăng vọt khi mới bước vào phiên giao dịch Mỹ. Tuy nhiên, lực bán chốt lời, cũng như thông tin không khả quan của kinh tế Đức khiến đồng euro giảm giá mạnh so với đồng USD, đẩy giá vàng nhanh chóng giảm trở lại và đóng cửa phiên Mỹ gần như không đổi so với mức giá đóng cửa trước đó.

Kết thúc phiên 12/8, giá vàng giao ngay tăng 0,6 USD (+0,05%), lên 1.308,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 0,1 USD (+0,01%), lên 1.310,6 USD/ounce.

Giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất 13 tháng khi nguồn cung dồi dào ở Bắc Mỹ giảm mối lo về nguồn cung từ Trung Đông. Tuy nhiên, dù có xung đột xảy ra, nhưng nguồn cung từ Iraq và Trung Đông vẫn không sụt giảm nhiều, trong khi đó, nhu cầu sụt giảm do nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục tăng trưởng chậm lại.

Kết thúc phiên 12/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,71 USD (-0,73%), xuống 97,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,66 USD (-1,61%), xuống 103,02 USD/thùng.

Tin bài liên quan