Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán đảo chiều tăng mạnh, vàng lình xình tìm hướng đi

(ĐTCK) Thông tin tích cực từ Hy Lạp giúp chứng khoán Âu, Mỹ đảo chiều hồi phục mạnh sau phiên bán tháo hôm thứ Ba. Trong khi đó, vàng chỉ đi ngang và kết thúc phiên gần như không đổi.

Tâm lý lo sợ Fed tăng lãi suất khiến giới đầu tư phố Wall bán tháo mạnh trong phiên thứ Ba, cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tuần này với thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, tâm lý phấn trấn đã trở lại với nhà đầu tư trong phiên giao dịch thứ Tư khi nhận được những thông tin khả quan về cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp và các chủ nợ, tránh cho quốc gia này tranh khỏi nguy cơ vỡ nợ và tách khỏi khu vực đồng tiền chung.

Theo Reuters đưa tin, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết hôm thứ Tư rằng, các cuộc đàm phán đang ở trên "đoạn cuối cùng" hướng tới một thỏa thuận tích cực. Còn một quan chức châu Âu cho biết trong một báo cáo của Bloomberg rằng: "Chúng tôi vẫn đang làm việc để hướng tới một thỏa thuận" và chưa có thỏa thuận đạt được.

Đặc biệt, theo Reuters, Ngân hàng Trung ương châu Âu rời trần tài trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp không thay đổi cho lần đầu tiên kể từ tháng Hai.

Tuy nhiên, ngay sau đó, theo một cuộc phỏng vấn truyền hình ARD được Reuters trích dẫn, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết, không có nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán nợ Hy Lạp và ông đã rất ngạc nhiên bởi những giọng điệu lạc quan từ một số quan chức chính phủ Hy Lạp.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall sau khi tăng mạnh 16,2%, lên mức cao nhất kể từ ngày 28/1, đã giảm trở lại xuống quanh ngưỡng 13 trong phiên thứ Tư.

Trong phiên tăng điểm mạnh hôm thứ Tư, nhóm cổ phiếu công nghệ và chăm sóc sức khỏe đóng góp công lớn, giúp phố Wall lấy lại hơn một nửa những gì đã mất trong phiên thứ Ba, thậm chí Nasdaq còn lấy hơn những gì đã để mất hôm trước, lên mức cao kỷ lục mới, phá vỡ ngưỡng cũng được xác lập hôm 24/4.

Kết thúc phiên 27/5, chỉ số Dow Jones tăng 121,45 điểm (+0,67%), lên 18.162,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,28 điểm (+0,92%), lên 2.123,48 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 73,84 điểm (+1,47%), lên 5.106,59 điểm.

Cũng giống chứng khoán Mỹ, thông tin tích cực từ cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp cũng giúp chứng khoán châu Âu hồi phục mạnh sau phiên bán tháo trước đó. Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi thông tin niềm tin người tiêu dùng Đức tháng 6 được cải thiện.

Kết thúc phiên 27/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 84,34 điểm (+1,21%), lên 7.033,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 146 điểm (+1,26%), lên 11.771,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 98,99 điểm (+1,95%), lên 5.182,53 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng điểm thứ 9 liên tiếp, củng cố mức cao nhất 16 năm. Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số Nikkei 225 bị hạn chế bởi thông tin tích cực của kinh tế Mỹ, làm dấy lên lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất được phát đi từ phiên trước đó.

Những lo ngại tương tự cũng khiến chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm điểm trong phiên thứ Tư, nhưng mức giảm được hãm bớt nhờ kỳ vọng dòng tiền lớn sẽ chảy vào thị trường từ đại lục sau kế hoạch cho phép nhà đầu tư đại lục đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng, dù mức tăng khiêm tốn rất nhiều so với phiên trước đó.

Kết thúc phiên 27/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 35,10 điểm (+0,17%), lên 20.472,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 168,65 điểm (-0,60%), xuống 28.081,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 30,82 điểm (+0,63%), lên 4.941,71 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường vàng, giá kim loại quý này gần như đi ngang trong suốt phiên giao dịch, từ Á đến Âu và cả phiên giao dịch Mỹ. Việc đồng USD vẫn dao động ở mức cao, cùng vai trò trú ấn giảm sau tin tích cực từ Hy Lạp khiến vàng không thể hồi trở lại như chứng khoán, dù cũng có phiên lao dốc do lực bán tháo trong phiên trước đó.

Kết thúc phiên 27/5, giá vàng giao ngay tăng 0,2 USD (+0,02%), lên 1.188,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,3 USD/ounce (-0,11%), xuống 1.185,6 USD/ounce.

Với việc đồng USD đang giao dịch ở mức cao, cùng với bối cảnh lo lắng sản lượng khai thác dầu của Mỹ có thể tăng trở lại sau 3 tuần sụt giảm khiến giá dầu thô có phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp.

Cụ thể, Viện Công nghiệp Dầu khí Mỹ (API) cho biết, các kho dự trữ dầu thô tăng 1,3 triệu thùng trong tuần trước.

Kết thúc phiên 27/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,52 USD/thùng (-0,90%), xuống 57,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,66 USD (-2,61%), xuống 62,06 USD/thùng.

Tin bài liên quan