Thị trường đã test thành công ngưỡng hỗ trợ 1.270 – 1.275 điểm trước khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 18/10, nhưng thanh khoản chưa bùng nổ nên phiên đảo chiều hồi phục ngày hôm qua chưa xác nhận tín hiệu đảo chiều. Đồng thời, các chỉ báo kỹ thuật cũng chưa khẳng định động lực tăng giá đủ mạnh để đưa thị trường bước vào nhịp tăng mới, mà có thể sẽ cần thêm thời gian để chỉ số vừa tích lũy vừa đi dần lên các vùng giá cao hơn.
Bước vào phiên giao dịch sáng ngày 18/10, thị trường vẫn diễn biến khá thuận lợi với sắc xanh chiếm chủ đạo và chỉ số VN-Index tiếp đà đi lên. Tuy nhiên, lực cầu thận trọng trong khi áp lực bán luôn chực chờ khiến thị trường khó lên cao, đặc biệt là trong bối cảnh VN-Index đang trong vùng cản tâm lý mạnh 1.290 – 1.300 điểm, và chỉ số chung đã giật lùi về cuối phiên, tạm dừng phiên sáng bám sát trên mốc tham chiếu.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau thời gian ngắn đầu phiên rung lắc nhẹ, chỉ số VN-Index đã bật hồi và dần tịnh tiến với tia hy vọng đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Dòng tiền sôi động với điểm đến là các mã bank đã một lần nữa kéo chỉ số chung vượt qua mốc 1.290 điểm.
Tuy nhiên, diễn biến thiếu đồng thuận khi các mã lớn trong dòng bank cũng như các nhóm ngành khác chưa bắt được nhịp tăng nên VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự trên rồi nhanh chóng thoái lui, thậm chí áp lực bán có phần lan rộng hơn trong 30 phút cuối phiên, đã đẩy chỉ số chung về dưới vạch xuất phát.
Chốt phiên, sàn HOSE có 157 mã tăng và 211 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 1,06 điểm (-008%) xuống 1.285,46 điểm. Thanh khoản xấp xỉ phiên hôm qua với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 689 triệu đơn vị, giá trị 15.384,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 81,21 triệu đơn vị, giá trị 1.468,84 tỷ đồng.
Nhóm VN30 phân hóa với 12 mã tăng và 13 mã giảm, chỉ số nhóm này giảm nhẹ 0,2 điểm. Trong đó, STB và HDB là 2 mã tăng tốt nhất, tương ứng 2,7% và 1,5%, trong khi mã bank khác là VPB lại giảm sâu nhất trong rổ này khi để mất 1,7%. Đây cũng là các cổ phiếu tác động lớn nhất tới chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, tâm điểm giao dịch của thị trường trong phiên hôm nay là dòng bank, nhưng có sự phân hóa khá lớn, với điểm sáng thuộc về các mã thuộc top vừa.
Cụ thể, trong top 10 mã có thanh khoản dẫn đầu thị trường thì có tới 9 mã thuộc nhóm ngân hàng, trong đó STB sôi động nhất với gần 32,9 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 2,7%; tiếp theo là VIB khớp gần 30 triệu đơn vị, kết phiên tăng nhẹ 0,8%; EIB khớp 27,2 triệu đơn vị và tăng 3,5%, SHB và TCB cùng tăng nhẹ 0,5% với thanh khoản đạt trong khoảng 15-20 triệu đơn vị...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán kém khả quan với sắc lan rộng trong ngành, trong đó SSI và HCM cùng đóng cửa giảm khoảng 0,5% với thanh khoản sôi động nhất nhóm này, đều đạt hơn 11 triệu đơn vị khớp lệnh; các mã khác như VCI giảm 1,63%; VIX, VND, FTS, BSI, AGR, CTS, VDS… đồng loạt giảm trên dưới 0,5%.
Các nhóm ngành khác như nguyên vật liệu, năng lượng, tiêu dùng… cũng chìm trong sắc đỏ.
Trên sàn HNX, trong phần lớn phiên chiều HNX-Index bám sát dưới đường tham chiếu, nhưng lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến chỉ số này nới rộng biên độ giảm.
Chốt phiên, sàn HNX có 57 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,4%) xuống 229,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,79 triệu đơn vị, giá trị gần 661,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 31,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 474 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 18,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 288,6 tỷ đồng và HUT thỏa thuận hơn 7 triệu đơn vị, giá trị hơn 103,75 tỷ đồng.
Bên cạnh giao dịch thiếu tích cực từ các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HOSE, các mã cùng ngành trên HNX có diễn biến phân hóa. Trong đó, tâm điểm đáng chú ý là VFS bất ngờ có thời điểm kéo trần và đóng cửa tăng mạnh 9% lên sát trần 14.600 đồng/CP và khớp hơn 1,9 triệu đơn vị, thuộc top 5 mã có thanh khoản lớn nhất thị trường.
Ngoài ra, HBS tăng 3,9%; MBS cũng có được sắc xanh nhạt khi đóng cửa tăng 0,3% và khớp 3,27 triệu đơn vị; còn SHS giảm nhẹ 0,6% với khối lượng khớp cũng đạt hơn 3,27 triệu đơn vị, là 2 mã dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.
Trái lại, nhiều mã khác trong rổ HNX30 đã nới rộng biên độ giảm như CEO, PVS, NTP, BVS đều giảm hơn 1%.
Trên UPCoM, lực cầu cải thiện đã giúp chỉ số UPCoM-Index lấy lại mốc tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index đứng giá tham chiếu 92,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,43 triệu đơn vị, giá trị gần 325 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8,4 triệu đơn vị, giá trị 111,64 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là 4,82 triệu cổ phiếu VAB, giá trị hơn 43,35 tỷ đồng và 2,84 triệu cổ phiếu VCR, giá trị 59,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu BVB giao dịch sôi động với thanh khoản đạt gần 5,3 triệu đơn vị, kết phiên tăng 2,6% lên mức 12.000 đồng/CP; trong khi cổ phiếu cùng ngành là ABB kết phiên tăng 1,3% và khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Các cổ phiếu có thanh khoản thuộc top dẫn đầu như BSR khớp 3,17 triệu đơn vị và đóng cửa tăng nhẹ 0,4%; HNG khớp 1,83 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 2,1%; PVX khớp hơn 1 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 5,3%.
Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng giảm, 1 hợp đồng tăng và 1 hợp đồng đứng giá tham chiếu, trong đó VN30F2411 giảm 3,1 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.365,9 điểm, có thanh khoản sôi động nhất với gần 257.600 đơn vị, khối lượng mở gần 41.330 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CSTB2328 giao dịch sôi động nhất với gần 6,17 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 22,7% lên 540 đồng/cq, tiếp theo là CSTB2402 khớp hơn 5,22 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 14% lên 2.450 đồng/cq.