Phố Wall tiếp tục có phiên lình xình do chịu tác động trái chiều về kết quả kinh doanh của các nhóm cổ phiếu. Sau phiên tăng trước đó, nhóm cổ phiếu công nghệ và công nghệ sinh học đã giảm trở lại khi kết quả kinh doanh của IBM kém khả quan, trong khi mối lo về giá thuốc đẩy cổ phiếu công nghệ sinh học giảm mạnh.
Tuy nhiên, phố Wall lại được bù đắp bởi kết quả kinh doanh khả quan của United Technologies và Verizon, giúp các cổ phiếu này tăng lần lượt 3,9% và 1,2%.
Lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 dự kiến giảm khoảng 4 phần trăm trong quý III, trong khi doanh thu dự kiến sẽ giảm 3,8%, theo số liệu của Thomson Reuters. Cũng theo Thomson Reuters, trong số các công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh, có khoảng 40% có doanh thu vượt kỳ vọng, dưới mức trung bình dài hạn.
Theo dữ liệu vừa công bố, lĩnh vực nhà ở mới của Mỹ trong tháng 9 tăng 6,5% so với tháng 8, vượt 1,8% so với kỳ vọng. Dữ liệu tích cực này lại làm cho khả năng Fed tăng lãi suất cao lên, qua đó cũng ảnh hưởng đến các thị trường, trong đó có chứng khoán.
Kết thúc phiên 20/10, chỉ số Dow Jones giảm 13,43 điểm (-0,08%), xuống 17.217,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,89 điểm (-0,14%), xuống 2.030,77 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 24,5 điểm (-0,5%), xuống 4.880,97 điểm.
Tương tự chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng chủ yếu dao động trong biên độ hẹp trong phiên thứ Ba do chịu tác động ngược chiều từ các nhóm cổ phiếu. Đóng cửa, chứng khoán châu Âu cũng giảm trở lại sau khi lên mức cao nhất 5 tuần trong phiên đầu tuần. Cổ phiếu năng lượng tiếp tục tạo sức ép lên thị trường do ảnh hưởng của giá dầu giảm, nhưng thị trường lại được hỗ trợ bởi một số cổ phiếu lớn có kết quả kinh doanh tích cực.
Theo dữ liệu kinh tế vừa công bố, giá sản xuất của Đức giảm 0,4% trong tháng 9 và giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai con số đều giảm hơn dự kiến. Các dữ liệu này khiến giới đầu tư kỳ vọng ECB sẽ đưa ra chính sách kích thích kinh tế tiếp theo.
Kết thúc phiên 20/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 7,2 điểm (-0,11%), xuống 6.345,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 16,63 điểm (-0,16%), xuống 10.147,68 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 30,26 điểm (-0,64%), xuống 4.673,81 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản phục hồi nhờ nhóm cổ phiếu viễn thông sau khi Deutsche Bank và Barclays nâng triển vọng của ngành này. Tuy nhiên, đà phục hồi không mạnh khi giới đầu tư đang hướng về cuộc họp chính sách tháng 10 của Fed, cũng như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Chứng khoán Hồng Kông lại quay đầu giảm khi các nhà đầu tư chốt lời sau 3 tuần tăng ấn tượng trước đó với mức tăng của chỉ số Hang Seng lên tới 13%, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng khá nhờ dữ liệu kinh tế tích cực hơn dự báo được công bố trước đó.
Kết thúc phiên 20/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 75,92 điểm (+0,42%), lên 18.207,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 86,39 điểm (-0,37%), xuống 22.989,22 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 38,63 điểm (+1,14%), lên 3.425,33 điểm.
Sau 2 phiên giảm khá mạnh, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba nhờ lực cầu bắt đáy và đồng USD sụt giảm trở lại sau 2 phiên tăng mạnh liên tiếp. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng sau đó được hãm lại với dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan.
Kết thúc phiên 20/10, giá vàng giao ngay tăng 5,2 USD (+0,44%), lên 1.175,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,7 USD (+0,4%), lên 1.177,5 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, theo báo cáo sơ bộ của Viện công nghiệp Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng lên 7 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn con số 3,7 triệu thùng mà giới phân tích dự báo trong một khảo sát của Reuters. Tuy nhiên, giá dầu thô lại trái chiều trong phiên thứ Ba. Trong khi giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm, thì giá dầu thô Brent lại hồi phục nhẹ 10 cent.
Kết thúc phiên 20/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,34 USD/thùng (-0,75%), xuống 45,55 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,10 USD (+0,21%), lên 48,71 USD/thùng.