Nhưng ít nhất, việc thị trường tăng trở lại 2 ngày đầu tuần cũng tạo cơ sở cho không ít nhà đầu tư về một “Cơ hội lớn lần thứ 2 của năm 2014”, sau lần thứ nhất là sự kiện trên Biển Đông.
Một câu hỏi lớn đặt ra ở đây là: lý do nào thị trường rơi mạnh 2 tuần đầu tháng 12 và lý do nào khiến thị trường bật trở lại? Thông tư 36, giá dầu giảm, CPI rơi xuống mức âm…, đâu là lý do chính?
Trên các diễn đàn chính thức và phi chính thức về TTCK, 3 nguyên nhân trọng yếu được bàn luận nhiều đó là: Thông tư 36 sẽ siết dòng vốn ngân hàng vào TTCK gây áp lực rút vốn để tránh rủi ro dài hạn; thị trường 2 tuần đầu tháng 12 rơi “quá đà” và việc phục hồi trở lại là cần thiết. Ngoài ra, thông tin giá xăng dầu tiếp tục hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua sẽ tác động tích cực tới hoạt động của đại đa số doanh nghiệp, cũng như việc tiêu dùng của người dân.
Tất nhiên, vẫn có một chút “lăn tăn” bởi giá dầu hạ mạnh là tác nhân chính khiến nhóm cổ phiếu ngành dầu khí rớt rất mạnh, kéo theo cả thị trường sụt giảm. Và bây giờ, giá dầu giảm tiếp có phải là tác nhân tạo ra sự phục hồi? Nếu đúng như vậy thì cú rơi mạnh tới 10% toàn thị trường đầu tháng 12 là “lỗi kỹ thuật”?
Đối với Thông tư 36 thì còn nhiều tranh cãi hơn, phía ủng hộ thì cho rằng đây là bước đi cần thiết để thực hiện chuẩn mực quốc tế Basel II (dự kiến sẽ có 10 ngân hàng thí điểm áp dụng trong năm 2015), hỗ trợ thị trường bất động sản… Bên phản đối thì cho rằng, đây là quyết định hạn chế dòng vốn sốc và không cần thiết, ảnh hưởng tới chứng khoán về dài hạn.
Vấn đề ở đây là tất cả các yếu tố trên cũng chỉ là suy đoán thiệt hơn!
Giá dầu thô cứ giảm 1USD/thùng sẽ khiến ngân sách giảm thu 1.000 tỷ đồng, với mức giảm một nửa từ trên 100 USD/thùng tới hiện nay thì con số giảm thu của ngân sách là có thể tính toán được.
Ngân sách đại biểu cho chính sách tài khóa, một vế quan trọng bên cạnh chính sách tiền tệ. Nên vì vậy, đã có những dự báo tác động không tốt tới nguồn vốn đầu tư công và xa hơn là GDP trong năm 2015.
Nhưng cũng giống như đồng xu úp ngửa, mặt tích cực có thể nhìn thấy đó là chi phí đầu vào cho doanh nghiệp giảm, CPI đã xuống mức âm tháng 11 và dự báo tương tự cho tháng 12. Điều này tạo dư địa cho lãi suất giảm tiếp, kích thích doanh nghiệp vay vốn đầu tư. Giá xăng dầu giảm còn tạo dư địa cho tiêu dùng tăng lên nhờ người dân có thêm một “khoản tiết kiệm”.
Những phân tích trên, nói cho cùng cũng chỉ là sự diễn giải lý thuyết. Định lượng được tác động xấu hay tốt với nền kinh tế và với TTCK tới thời điểm này vẫn chưa thấy có một đánh giá thuyết phục.
Quay trở lại với thị trường. Những trụ cột của nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD… đã có chuỗi phục hồi đáng kể từ thứ Năm tuần trước, và việc có nhịp chững lại ngày hôm qua cũng không quá ngạc nhiên. Tổng thể thị trường thì vẫn mang nhiều sự lạc quan hơn, thanh khoản đang tăng dần và ngưỡng quan trọng 550 điểm của VN-Index đang ở rất gần.
Trong khảo sát nhỏ của tinnhanhchungkhoan.vn đưa ra từ đầu tuần trước, với câu hỏi “Thông tư 36 và giá dầu tác động tới TTCK thế nào?”, chỉ có 27% số trả lời lựa chọn đáp án “Tác động xấu về mặt trung dài hạn”, và có tới 73% lựa chọn đáp án “Tốt” và “Chỉ tác động tâm lý ngắn hạn”. Điều này cho thấy sự lạc quan chưa hoàn toàn biến mất.
Nếu thị trường không có những cú sụt giảm mạnh nữa thì tâm lý quan ngại sẽ bớt dần. Đây sẽ là động lực chính để VN-Index có thể trở lại ngưỡng 600 điểm, tạo nên cơ hội lớn lần 2 trong năm 2014.