Sau khi đi ngược với chứng khoán thế giới trong phiên đầu tuần mới nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ, chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch kết thúc sớm thứ Ba trước kỳ nghỉ lễ 4/7 cũng do ảnh hưởng bởi đà giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Nhóm cổ phiếu công nghệ giảm bắt nguồn từ cổ phiếu Facebook giảm 2,35% khi báo cáo của tờ Washinton Post cho biết, vi phạm dữ liệu liên quan đến Cambridge Analytica của mạng xã hội này đã được mở rộng và có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chính phủ hơn.
Ngoài ra, những lo ngại về cuộc chiến thương mại đang bên bờ vực cũng khiến giới đầu tư bán ra trước kỳ nghỉ lễ.
Trong khi đó, các dữ liệu kinh tế vừa công bố trái chiều nhau. Trong khi đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất bất ngờ tăng trong tháng 5, chỉ ra ngành sản xuất tăng cường, thì chi tiêu kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu chậm lại.
Kết thúc phiên 3/7, chỉ số Dow Jones giảm 132,36 điểm (-0,54%), xuống 24.174,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,49 điểm (-0,49%), xuống 2.713,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 65,01 điểm (-0,86%), xuống 7.502,67 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, cuộc khủng hoảng về chính sách nhập cư, đe dọa chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bất ngờ có được nút thắt đột phá sau 5 giờ đàm phán hôm thứ Hai, giúp chứng khoán khu vực này hồi phục và lấy lạ được hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Đức, cũng nỗi lo chiến tranh thương mại đã khiến chứng khoán châu Âu giảm mạnh phiên đầu tuần mới, nhưng Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ liên minh của bà Merkel đã rút lại lời đe dọa từ chức sau 5 giờ đàm phán hôm thứ Hai, cứu vãn được sự sụp đổ của chính phủ liên minh mới thành lập.
Kết thúc phiên 3/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 45,44 điểm (+0,60%), lên 7.593,29 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 110,97 điểm (+0,91%), lên 12.349,14 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,02 điểm (+0,76%), lên 5.316,77 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hãm đà giảm trong ít phút cuối phiên, chứng khoán Trung Quốc cũng đảo chiều hồi phục nhẹ khi chốt phiên thứ Ba sau khi bị bán tháo trong phiên trước và phiên sáng thứ Ba. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lao dốc không phanh xuống sát ngưỡng 28.000 điểm khi giao dịch trở lại trong phiên thứ Ba sau khi nghỉ lễ ngày thứ Hai. Tuy nhiên, về cuối phiên, đà giảm cũng được hãm bớt và đóng cửa chỉ còn giảm 1,4%.
Kết thúc phiên 3/7, chỉ Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 26,39 điểm (-0,12%), xuống 21.785,54 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 409,54 điểm (-1,41%), xuống 28.545,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,33 điểm (+0,41%), lên 2.786,89 điểm.
Tương tự, sau phiên lao dốc hôm thứ Hai, xuống mức giá thấp nhất 12 tháng, giá vàng cũng đã lấy lại được hết những gì đã mất trong phiên giao dịch thứ Ba sau báo cáo cho thấy, dòng tiền chảy mạnh vào các quỹ giao dịch bằng vàng từ cuối tháng 3.
Kết thúc phiên 3/7, giá vàng giao ngay tăng 10,8 USD (+0,87%), lên 1.252,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 11,8 USD (+0,95%), lên 1.253,5 USD/ounce.
Giá dầu thô cũng hồi nhẹ trở lại, lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên thứ Hai. Tuy nhiên, trong phiên thứ Ba, giá loại nhiên liệu này có lúc tăng mạnh, trước khi hạ nhiệt do áp lực chốt lời của giới đầu tư.
Kết thúc phiên 3/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,20 USD (+0,27%), lên 74,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,46 USD (+0,59%), lên 77,76 USD/thùng.