Chứng khoán còn cơ hội tăng cuối năm

Chứng khoán còn cơ hội tăng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đã trả lại trọn vẹn những gì đã mất cho những ai kiên nhẫn, nhưng nếu ở góc nhìn khi bắt đầu năm 2020, mọi thứ chưa hẳn là quá nóng.

Vượt 1.000 điểm, khi VN-Index chỉ là chiếc áo đã cũ

Trong giao dịch chứng khoán, các mốc số tròn thường mang ngưỡng tâm lý nhất định và ở ngưỡng 1.000 điểm với chỉ số VN-Index cũng không ngoại lệ.

Đó là ngưỡng được nhiều người bình luận, dự đoán và câu chuyện vượt hay không vượt 1.000 điểm đã xuất hiện dày đặc trên những phương tiện truyền thông, các diễn đàn đầu tư chứng khoán thời gian qua.

Nhưng rồi, chỉ số VN-Index cũng vượt 1.000 điểm tương đối dễ dàng, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (4/12) ở mức 1.021 điểm.

Thực chất, ngưỡng 1.000 điểm không mang nhiều ý nghĩa, bởi nhiều lần trước đó cũng không có sự phản ứng tâm lý nào đáng kể. Ngưỡng quan trọng hơn đối với VN-Index có lẽ nằm quanh 1.025 điểm, đỉnh của đợt phục hồi năm 2019. Tuy nhiên, hiện tại, bản thân VN-Index cũng không phải chỉ số đáng tin cậy để có thể là ngưỡng tham khảo có giá trị.

Sở dĩ nói VN-Index là “chiếc áo cũ”, vì vai trò phản ánh diễn biến thị trường của chỉ số ngày càng kém đi. Có thể thấy rõ điều này nếu đặt VN-Index và các chỉ số khác trên một đồ thị để phân tích.

Vai trò phản ánh thị trường của chỉ số VN-Index ngày càng kém đi.

Vai trò phản ánh thị trường của chỉ số VN-Index ngày càng kém đi.

Như đã đề cập ở trên, sau khi vượt 1.000 điểm, ngưỡng tiếp theo cần chú ý trên VN-Index là đỉnh của nhịp phục hồi năm 2019.

Tuy nhiên, nếu quan sát các chỉ số khác, hầu như tất cả các chỉ số đã vượt, thậm chí vượt xa mốc neo ở trên, từ VNAllshare với cái nhìn bao quát, VN30 với các cổ phiếu trụ hay VNMidcap với các cổ phiếu có vốn hóa trung bình.

Các chỉ số mới hơn như VNDiamond, VNFinlead thậm chí còn vượt đỉnh từ lâu và hiện tại đã vượt xa. Với việc VN-Index có trọng số lớn đối với các nhóm cổ phiếu có biến động ít theo thị trường hoặc các cổ phiếu bị bỏ quên khiến chỉ số này ngày càng kém tin cậy dưới góc nhìn giao dịch.

Các chỉ số mới hơn về một nhóm cổ phiếu nào đó sẽ cho cái nhìn có giá trị hơn, bởi lẽ thực tế, không ai đầu tư vào VN-Index được cả.

Hưng phấn nhưng chưa quá đà

Chỉ số VN-Index đã tăng thần tốc từ mức đáy xác lập hồi cuối tháng 3/2020, xác lập mức tăng hơn 50% chỉ vỏn vẹn trong vòng khoảng 6 tháng.

Hiện tại, những phiên giao dịch có thanh khoản trên 10.000 tỷ đồng đã trở nên bình thường, không hề có dấu hiệu căng sức để phải nghi ngờ sự phân phối. Nếu tính về gia tốc tăng, mức tăng này có thể được so sánh với sóng tăng năm 2017 - 2018 và xa hơn là sóng tăng 2007 - 2008.

Thị trường hưng phấn như hiện tại phản ánh rõ ràng việc thị trường chứng khoán được hưởng lợi từ vĩ mô, nới lỏng chính sách tiền tệ và cả chính sách tài khóa.

Đáng chú ý, điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, khi lãi suất ở các quốc gia lớn đều ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Thị trường đã tăng mạnh kể từ chân sóng, nhưng nếu tính từ đầu năm đến nay, VN-Index mới chỉ tăng hơn 6%. Điều đó có nghĩa rằng, một phần của đà phục hồi ấn tượng hơn 50% từ đáy của chỉ số này là do đợt suy giảm khủng khiếp trong đầu năm do đại dịch Covid-19 gây ra.

Hiện tại, thị trường đã trả lại trọn vẹn những gì đã mất cho những ai kiên nhẫn bám sàn, nhưng nếu ở góc nhìn khi bắt đầu năm 2020, mọi thứ chưa hẳn là quá nóng.

P/E hiện nay tương đương mức trung bình giai đoạn 2018 đến nay.

P/E hiện nay tương đương mức trung bình giai đoạn 2018 đến nay.

Ngoài mặt chỉ số, một trong những dẫn chứng để có thể thấy thị trường đang hưng phấn nhưng chưa phải quá phi lý, đó là định giá (P/E). Hiện tại, mức định giá P/E của VN-Index là khoảng 16,4 lần. Mức này cao hơn mức trung bình từ năm 2010 đến nay một chút (14,36 lần), nhưng cũng chỉ tương đương mức trung bình từ năm 2018 đến nay.

Mức định giá của thị trường Việt Nam đang dần được nâng lên trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Bức tranh vĩ mô chưa thay đổi, dòng tiền vẫn ở lại

Thông thường, với những sóng vĩ mô như hiện tại, sự hưng phấn hoàn toàn có thể được đẩy lên cao hơn nữa. Có thể những nhịp quá mua trong ngắn hạn khiến thị trường rung lắc nhưng nếu dòng tiền vẫn ở lại, thị trường sẽ rất khó điều chỉnh sâu.

Điều này được quan sát rất rõ trong thời gian qua khi hiếm có nhịp điều chỉnh nào kéo dài tính bằng tuần và mức độ chỉnh trên 10%. Tiền xoay vòng và tự luân phiên chảy rất nhịp nhàng.

Trong những sóng lớn, việc đoán đỉnh và đáy thường không thể thực hiện nếu chỉ dựa vào việc quan sát riêng thị trường cổ phiếu.

Sóng tăng vĩ mô một khi kết thúc sẽ kết thúc nhanh, gọn và được quyết định và cảnh báo sớm bởi các thị trường khác (trái phiếu, hàng hóa, ngoại tệ…).

Gần nhất đó là sóng tăng năm 2018, thị trường giảm nhanh vào tháng 4 với nhiều dấu diệu cảnh báo từ trước đó ở góc nhìn toàn cảnh.

Đó là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên và ở trong nước, lãi suất nâng lên và lạm phát có dấu hiệu quay trở lại vào thời điểm đó.

Đại dịch Covid-19 mang đến quá nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế, nhưng lại mang tới món quà lớn cho thị trường cổ phiếu nhờ tạo ra môi trường chính sách tiền tệ và tài khóa ủng hộ thị trường.

Một khi bức tranh lớn chưa thay đổi, dù các chỉ số có ở vùng nào, tiền vẫn ở lại thị trường chứng khoán thì cơ hội kiếm tiền vẫn ở đó.

Còn như đã nói, một khi bức tranh lớn đổi màu, mọi thứ sẽ diễn ra rất nhanh. Do đó, có lẽ là hợp lý khi tiếp tục nương theo đà tăng của thị trường, chỉ cần mở rộng tầm nhìn ra ngoài các thị trường khác một chút để nhận ra sớm những sự thay đổi.

Việc cập nhật tín hiệu ở các thị trường khác (trái phiếu, hàng hóa, ngoại tệ…) càng trở nên quan trọng khi hiện tại, độ mở của thị trường Việt Nam ngày càng lớn.

Xin tạm kết bằng một trong những câu nói nổi tiếng của John J Murphy, một tác giả quen thuộc đối với các trader trên toàn thế giới: “Cố gắng giao dịch trên các thị trường mà không có nhận thức liên thị trường cũng giống như lái xe mà không nhìn vào bên hông, gương chiếu hậu và cửa sổ”.

Tin bài liên quan