Tính đến ngày thứ Sáu, đã có 311 công ty trong S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý I. Trong đó, có 74,6% có doanh thu vượt dự báo, cao hơn nhiều so với mức trung bình 63% kể từ năm 1994 và 68,5% cho 4 quý gần nhất, theo dữ liệu của Thomson Reuters.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, một số công ty công bố kết quả kinh doanh thất vọng đã khiến phố Wall đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Cụ thể là Gilead Sciences giảm tới 9% sau kết quả kinh doanh đáng thất vọng, góp phần kéo S&P 500 và Nasdaq giảm khá mạnh. Trong khi đó, Apple có phiên giảm thứ 10 trong 11 phiên giao dịch do kết quả kinh doanh bết bát và có mức giảm 11,3% trong tuần, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2013. Mức giảm trong tháng 4 của cổ phiếu này là 14%.
Phiên giảm cuối tuần đã khiến phố Wall có tuần giảm mạnh nhất hơn 2 tháng, nhưng may mắn là Dow Jones và S&P 500 vẫn giữ được mức tăng nhẹ trong tháng 4, trong khi Nasdaq giảm gần 2%.
Kết thúc phiên 29/4, chỉ số Dow Jones giảm 57,12 điểm (-0,32%), xuống 17.773,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,51 điểm (-0,51%), xuống 2.065,30 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 29,93 điểm (-0,62%), xuống 4.775,36 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,28%, chỉ số S&P 500 giảm 1,26% và chỉ số Nasdaq giảm tới 2,67%. Trong tháng 4, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,5%, chỉ số S&P 500 cũng có 0,27%, trong khi chỉ số Nasdaq giảm 1,94%.
Sau báo cáo kết quả kinh doanh khá tích cực, nhưng có cũng có những “chấm đen” không hề nhỏ, đặc biệt là Apple lần đầu tiên sau 13 năm giảm doanh thu, tuần tới, giới đuầ tư sẽ dồn sự chú ý vào báo cáo việc làm tháng 4 của Mỹ và tỷ lệ thất nghiệp sẽ được công bố thứ Sáu (6/5). Theo dự đoán, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ có thêm 200.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5%, còn lương sẽ tăng 0,3%.
Không giống như các tháng gần đây, giới đầu tư kỳ vọng dữ liệu việc làm thấp để ngăn chặn việc Fed tăng lãi suất, hiện nay giới đầu tư lại kỳ vọng vào báo cáo việc làm tích cực để có hy vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế trong quý II sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh thất vọng.
Trên thị trường chưngs khoán châu Âu, kết quả kinh doanh thất vọng của British Airways IAG và Restaurant Group đã kéo theo nhóm cổ phiếu du lịch và giải trí lao dốc, đẩy các chỉ số chính của khu vực giảm mạnh.
Không chỉ nhóm du lịch và giải trí, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có phiên giảm mạnh khi Ngân hàng Hoàng gia Scotland và Bankia báo cáo lợi nhuận thấp hơn dự báo.
Phiên lao dốc cuối tuần đã khiến chứng khoán châu Âu có tuần giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng và lấy đi phân nửa điểm số đã đạt được trong tháng 4.
Kết thúc phiên 29/4, chỉ FTSE 100 tại Anh giảm 80,51 điểm (-1,27%), xuống 6.241,89 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 282,18 điểm (-2,73%), xuống 10.038,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 128,4 điểm (-2,82%), xuống 4.428,96 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,09%, chỉ số DAX giảm 3,22% và chỉ số CAC 40 cũng mất tới 3,08%. Trong tháng 4, chỉ số FTSE 100 tăng 1,08%, chỉ số DAX tăng 0,74% và chỉ số CAC 40 tăng 1,00%
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch trong phiên thứ Sáu sau phiên lao dốc mạnh hôm thứ Năm. Có thể đây là một may mắn của chứng khoán Nhật Bản, nếu không chỉ số Nikkei 225 có thể sẽ lao dốc tiếp trong phiên cuối tuần, bởi sắc đỏ là sắc màu chủ đạo của chứng khoán châu Á trong phiên này. Cụ thể, chứng khoán Hồng Kông giảm 1,5% trong phiên cuối tuần sau thông tin từ Nhật Bản trong ngày trước đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm nhẹ.
Với các phiên giảm cuối tuần, các chỉ số chính của châu Á đã có tuần giảm điểm khá mạnh, đặc biệt là chứng khoán Nhật Bản và phá hỏng hết nỗ lực trong suốt tháng qua.
Kết thúc phiên 29/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 624,44 điểm (-3,61%), xuống 16.666,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 320,98 điểm (-1,5%), xuống 21.067,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 7,27 điểm (-0,25%), xuống 2.938,32 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 5,16%, chỉ số Hang Seng giảm 1,86% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,71%. Trong tháng 4, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,55%, chỉ số Hang Seng tăng 1,4% và chỉ số Shanghai Composite giảm 2,18%.
Trên thị trường vàng, việc thị trường chứng khoán lao dốc đã tạo động lực cho giá vàng tăng mạnh trong phiên cuối tuần. Dòng tiền rút ra từ thị trường chứng khoán đã ồ ạt chảy vào vàng như là kênh trú ẩn, khiến giá kim loại quý này tăng vọt hơn 2% trong phiên cuối tuần, lên mốc 1.300 USD/ounce, mức cao nhất 15 tháng.
Kết thúc phiên 29/4, giá vàng giao ngay tăng 26,0 USD (+2,05%), lên 1.292,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 28,5 USD (+2,25%), lên 1.294,9 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng mạnh 4,9% và giá vàng tương lai giao tháng 6 còn tăng tơí 5,28%. Trong tháng 4, giá vàng giao ngay tăng 4,89% và giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 4,92%.
Với tuần tăng ấn tượng, niêm tin vào kim loại quý này càng lên cao trong nhà đầu tư. Cụ thể, trong cuộc thăm dò tuần này, có 827 người tham gia, trong đó có tới 604 người, chiếm 73% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, 130 người dự báo giá sẽ giảm và 93 người giữ quan điểm trung lập.
Không chỉ nhà đầu tư, giới phân tích cũng đã có cái nhìn lạc quan hơn với giá vàng. Trong số 36 người được hỏi, có 21 người trả lời, trong đó có 15 chuyên gia, chiếm 71% lạc quan về giá vàng tuấn tới (cao hơn nhiêu so với tuần trước), chỉ có 5 chuyên gia, chiếm 29% co cái nhìn thận trọng về giá vàng.
Trên thị trường dầu lửa, giá dầu thô đã quay đầu giảm nhẹ trong phiên thứ Sau do áp lực chốt lời sau khi lên mức cao nhất năm 2016.
Dù giảm nhẹ phiên cuối tuẩn, nhưng giá dầu thô có tuần tăng khá tốt trên dưới 6%. Trong trong tháng 4, giá loại nhiên liệu này tăng tới 20% với dầu Mỹ và hơn 21,5% với dầu thô Brent, mức tăng mạnh nhất trong 7 năm qua của loại dầu thô này.
Kết thúc phiên 29/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,11 USD (-0,24%), xuống 45,92 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD (-0,02%), xuống 48,13 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 5,01% và giá dầu thô Brent tăng 6,72%. Trong tháng 4, giá dầu thô Mỹ tăng tới 19,77% và giá dầu thô Brent tăng tới 21,54%.