Sau phiên lao dốc do lo ngại về căng thẳng Mỹ - Triều, phố Wall bất ngờ nhận được thông tin hỗ trợ về kinh tế để hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ thấp có thể khiến Fed thận trọng hơn trong kế hoạch tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Dow Jones tăng 14,31 điểm (+0,07%), lên 21.858,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,11 điểm (+0,13%), lên 2.441,32 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 39,68 điểm (+0,64%), lên 6.256,56 điểm.
Với căng thẳng địa chính trị, dù hồi phục lại trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall đã đồng loạt giảm điểm trong tuần qua, trong đó Dow Jones chấm dứt chuỗi tăng điểm và thiết lập lập đỉnh mới với mức giảm 1,06% tuần qua. Chỉ số S&P 500 cũng đảo chiều giảm 1,43% sau khi tăng nhẹ 0,17% tuần trước, trong khi Nasdaq tiếp tục có tuần giảm thứ 3 liên tiếp với mức giảm 1,50%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm mạnh do đợt bán tháo các cổ phiếu cơ bản. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng góp phần giúp chứng khoán khu vực này lao mạnh, ngoại từ chứng khoán Đức may mắn chỉ giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 79,98 điểm (-1,08%), xuống 7.309,96 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 0,24 điểm (-0,00%), xuống 12.014,06 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 54,31 điểm (-1,06%), xuống 5.060,92 điểm.
Sau khi đồng loạt tăng điểm trong tuần trước, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt lao dốc trở lại trong tuần qua do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 2,69%, chỉ số CAC 40 giảm 2,30%, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng 2 liên tiếp, chỉ số DAX tại Đức giảm 2,74%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã may mắn khi nghỉ lễ trong phiên cuối tuần, bởi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã lao dốc mạnh trong phiên này khi nhà đầu tư lo ngại về căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 560,49 điểm (-2,04%), xuống 26.883,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 53,21 điểm (-1,63%), xuống 3.208,54 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm điểm tuần thứ 4 liên tiếp, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm mạnh tuần qua. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikke 225 giảm 1,12%, chỉ số Hang Seng giảm 2,34%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,64%, chấm dứt chuỗi 7 tuần tăng liên tiếp.
Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần. Ngoài hỗ trợ từ sự căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên, giá vàng còn được ủng hộ bởi khả năng Fed tăng lãi suất đang giảm dần sau dữ liệu kinh tế Mỹ vừa công bố.
Kết thúc phiên 11/8, giá vàng giao ngay tăng 2,9 USD/ounce (+0,23%), lên 1.288,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 6,5 USD/ounce (+0,51%), lên 1.290,2 USD/ounce.
Căng thẳng địa chính trị đã giúp giá vàng có tuần tăng mạnh và là tuần tăng thứ 5 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng giao ngay tăng 2,41%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 2,54%.
Giới đầu tư và phân tích vẫn đánh giá cao về xu hướng tăng của giá vàng trong tuần này, dù sự thận trọng vẫn còn.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 17 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 9 người, chiếm 53% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn con số 48% của tuần trước. Chỉ có 2 người dự báo giá sẽ giảm trở lại, chiếm 12%, thấp hơn nhiều con số 41% của tuần trước. Trong khi 6 người còn lại dự báo giá sẽ đi ngang, chiếm 35%.
Tương tự, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 2.153 người tham gia, trong đó có 1.018 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 47%, tương đương tuần trước (47%); 661 người, chiếm 31% dự báo giá vàng sẽ giảm, thấp hơn so với con số 38% của tuần trước; 474 lượt, chiếm tỷ lệ 22% giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua do những bất ổn ở Nigeria ảnh hưởng đến nguồn cung. Tuy nhiên, mức tăng không lớn và không đủ giúp giá dầu thô có tuần tăng giá tiếp theo khi giá nhiên liệu này đã có những phiên giảm mạnh liên tiếp trước đo dó lo ngại về sức cầu yếu.
Kết thúc phiên 11/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,23 USD/thùng (+0,47%), lên 48,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,20 USD (+0,38%), lên 52,10 USD/thùng.
Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô đã không thể duy trì được tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ giảm 1,53% và giá dầu thô Brent giảm 0,61%.