Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục gây sức ép lớn lên thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, năng lượng, phố Wall nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ cổ phiếu Nike.
Trong phiên cuối tuần qua, cổ phiếu của nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới tăng tới 11% sau khi cho biết, sẽ khởi động một chương trình bán hàng trực tuyến với Amazon.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu Nike đã giúp Dow Jones và S&P 500 đảo chiều tăng điểm trở lại, trong khi Nasdaq vẫn còn giảm nhẹ do chịu tác động từ nhóm cổ phiếu công nghệ.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones tăng 62,60 điểm (+0,29%), lên 21.349,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,71 điểm (+0,15%), lên 2.423,41 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,93 điểm (-0,06%), xuống 6.140,42 điểm.
Dù tăng điểm nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng với sự sụt giảm liên tiếp trước đo do ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu công nghệ, các chỉ số chính của phố Wall đồng loạt giảm điểm trong tuần qua. Trong đó, Dow Jones chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp, S&P là 2 tuần tăng liên tiếp, trong khi Nasdaq nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh, trả lại hết tất cả vốn lẫn lãi những gì đã có trong tuần trước. Cụ thể, trong tuần, Dow Jones giảm 0,21%, S&P 500 giảm 0,61% và Nasdaq giảm tới 1,99%.
Trong tháng 6, Dow Jones vẫn tăng tốt 1,62%, S&P 500 cũng tăng 0,48%, trong khi Nasdaq do ảnh hưởng của nhóm công nghệ giảm 0,94%.
Dù trái chiều trong tháng vừa qua do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ, nhưng phố Wall vẫn có quý II và 6 tháng đầu năm tích cực. Trong đó, trong quý II, Dow Jones tăng 3,32%, S&P 500 tăng 2,57%, Nasdaq tăng 3,87%. Trong 6 tháng đầu năm, Dow Jones tăng tới 8,03%, S&P 500 tăng 8,24% và Nasdaq tăng tới 14,07%. Dù giảm trong tháng 6, nhưng nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn là nhóm có mức tăng rất tốt trong nửa đầu năm, đó là lý do giúp chỉ số Nasdaq tăng mạnh hơn hẳn so với 2 chỉ số chính còn lại.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực này tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần qua và lý do cũng là sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ, đánh dấu tuần giảm mạnh và là tuần giảm thứ 4 liên tiếp.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 37,60 điểm (-0,51%), xuống 7.312,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 91,07 điểm (-0,73%), xuống 12.325,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 33,67 điểm (-0,65%), xuống 5.120,68 điểm.
Với chuỗi phiên giảm liên tiếp, chứng khoán châu Âu đã có tuần giảm thứ 4 liên tiếp với biên độ rất mạnh trong tuần qua. Trong đó, chỉ số FTSE 100 giảm 1,5%, DAX giảm tới 3,21% và CAC 40 cũng mất tới 2,76%.
Với chuỗi giảm điểm trọn 1 tháng, chứng khoán châu Âu có tháng 6 kém tích cực hơn nhiều so với phố Wall với cả 3 chỉ số chính đều giảm mạnh. Trong đó, FTSE 100 giảm 2,76%, DAX giảm 2,30% và CAC 40 cũng mất 3,08%.
Tháng giảm mạnh cuối quý đã lấy hết những gì đã có trong 2 tháng trước đó, khiến chứng khoán châu Âu gần như ít biến động trong quý II khi chỉ số FTSE 100 giảm nhẹ 0,14%, DAX tăng nhẹ 0,1% và CAC 40 chỉ giảm 0,04% trong quý II. Dù vậy, chứng khoán khu vực này vẫn có 6 tháng đầu năm tích cực khi chỉ số FTSE 100 tăng 2,38%, DAX tăng tới 7,35% và CAC 40 cũng tăng 5,31%.
Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi hồi phục tốt trong phiên trước đó, chứng khoán Nhật Bản đã quay đầu giảm khá mạnh, xuống mức thấp nhất 2 tuần trong phiên cuối tuần trước do ảnh hưởng từ đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ.
Chứng khoán Hồng Kông cũng quay đầu giảm, trả lại gần hết những gì đã có trong phiên thứ Năm, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục duy trì đà tăng nhẹ trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 186,87 điểm (-0,92%), xuống 20.033,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 200,84 điểm (-0,77%), xuống 25.764,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,36 điểm (+0,14), lên 3.192,43 điểm.
Tuần qua, chứng khoán châu Á có sự trái chiếu. Trong khi chứng khoán Nhật Bản nhanh chóng giảm trở lại sau tuần hồi phục trước đó, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng tốt. Cụ thể, chỉ số Nikke 225 giảm 0,49%, chỉ số Hang Seng tăng 0,37% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,09% sau khi tăng 1,11% trong tuần trước.
Dù gặp chút khó khăn trong tuần cuối tháng 6, nhưng chứng khoán châu Á đều đồng loạt tăng điểm trong tháng 6, nhất là chứng khoán Trung Quốc sau khi được MSCI nâng hạng. Cụ thể, chỉ số Nikke 225 tăng 1,95% trong tháng 6, nâng biên độ tăng trong quý II lên 5,95%; chỉ số Hang Seng tăng 0,41% trong tháng 6, nâng biên độ tăng trong quý II lên 6,86%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite tăng tới 2,41% trong tháng 6, chấm dứt chuỗi 3 tháng giảm liên tiếp, nhưng không đủ sức bù đắp đà sụt giảm 2 tháng trước đó, nên trong quý II, chỉ số này vẫn giảm 0,93%.
Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng có nửa đầu năm 2017 tích cực, trái ngược với thời gian này năm trước. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,81%, chỉ số Hang Seng tăng vọt tới 17,11% và Shanghai Composite tăng 2,87%.
Giá vàng tiếp tục lình xình theo xu hướng giảm nhẹ trong phiên cuối tuần khi không có thông tin mới hỗ trợ.
Kết thúc phiên 30/6, giá vàng giao ngay giảm 4,2 USD (-0,34%), xuống 1.241,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 3,5 USD/ounce (-0,28%), xuống 1.242,3 USD/ounce.
Với chuỗi phiên giảm liên tiếp trong tuần, giá vàng đã giảm trở lại trong tuần qua sau khi hồi nhẹ trong tuần trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 1,23% và giá vàng tương lai giao tháng 8 cũng giảm 1,12%.
Trong tháng 6, giá vàng giao ngay giảm 2,16%, giá vàng tương lai cũng giảm 2,33%. Trong quý II giảm lần lượt 0,64% và 0,41%, nhưng tính từ đầu năm, giá vàng vẫn tăng lần lượt là 7,85% và 7,87%.
Với việc giá vàng tuần qua liên tục đi xuống bất chấp sự sụt giảm của đồng USD (vốn là một yếu tố hỗ trợ cho giá vàng), cả giới phân tích và nhà đầu tư đều có cái nhìn kém tích cực về xu hướng của giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 18 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có tới 11 người, chiếm 61% có cái nhìn tiêu cực về giá vàng tuần này, cao hơn hẳn con số 24% của tuần trước. Trong khi chỉ có 4 người, 22% đánh giá tích cực về giá vàng, thấp hơn nhiều con số 53% của tuần trước, 3 người còn lại, chiếm 17% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.
Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 2.666 người tham gia, cao nhất kể từ tháng 10/2016. Trong đó, có tới 1.816 người, chiếm 68% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn nhiều con số 29% của tuần trước và là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 7/2015 khi có 75% số lượt dự đoán giá vàng giảm; chỉ có 680 lượt, chiếm 26% dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này, thấp hơn con số 50% của tuần trước; 170 lượt, chiếm tỷ lệ 6% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục có phiên tăng giá thứ 7 liên tiếp với mức tăng rất mạnh trong phiên cuối tuần qua khi lần đầu tiên kể từ tháng Giêng, số lượng giàn khoan của Mỹ giảm theo tuần trong tuần trước.
Kết thúc phiên 30/6, giá dầu thô Mỹ tăng 1,11 USD/thùng (+2,41%), lên 46,04 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,50 USD (+1,04%), lên 47,92 USD/thùng.
Với chuỗi phiên tăng liên tiếp, giá dầu thô đã có tuần tăng trở lại sau 5 tuần giảm liên tiếp trước đó với biên độ tăng rất mạnh. Cụ thể, trong tuần qua, giá dầu thô Mỹ tăng 7,04% và giá dầu thô Brent cũng tăng 5,23%.
Dù hồi mạnh trong tuần vừa qua, nhưng giá dầu thô không tránh khỏi chuỗi giảm liên tiếp kể từ đầu năm. Trong đó, giá dầu thô Mỹ chỉ thoát được trong tháng 2, trong khi giá dầu thô Brent có đủ chuỗi 6 tháng giảm trọn vẹn trong năm nay. Cụ thể, trong tháng 6, giá dầu thô Mỹ giảm 4,72%, trong quý II giảm 9,01% và trong 6 tháng đầu năm mất tới 14,30%. Tương tự, giá dầu thô Brent cũng có mức giảm lần lượt là 4,75%, 9,29% và 14,63%.