Những thông tin kém khả quan, cùng kết quả kinh doanh trái chiều của các doanh nghiệp vừa công bố khiến S&P 500 đảo chiều giảm điểm từ mức cao lịch sử, trong khi Dow Jones duy trì phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp và tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử, chuỗi tăng liên tiếp dài nhất kể từ tháng 3/2013 của chỉ số này.
Báo cáo vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong 2 năm tiếp theo do không chắc chắn về lương lai của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Sức ép của đồng USD cao khiến giá dầu và hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh giảm, gây áp lực lên nhóm cổ phiếu năng lượng và hàng hóa nguyên liệu, khiến S&P 500 đảo chiều.
Dow Jones duy trì đà tăng nhẹ nhờ Microsotf tăng 4% sau kết quả kinh doanh khả quan, trong khi cổ phiếu Goldman Sachs, Netflix giảm do kết quả kém hơn dự đoán.
Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Dow Jones tăng 25,96 điểm (+0,14%), lên 18.559,01 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,11 điểm (-0,14%), xuống 2.163,78 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 19,41 điểm (-0,38%), xuống 5.036,37 điểm.
Cũng như phố Wall, báo cáo của IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kết quả kinh doanh kém khả quan của Ericsson và AkzoNobel cũng gây áp lực lên chứng khoán châu Âu, khiến chứng khoán khu vực giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 19/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,95 điểm (+0,03%), lên 6.697,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 81,89 điểm (-0,81%), xuống 9.981,24 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 27,61 điểm (-0,63%), xuống 4.330,13 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông đảo chiều do áp lực chốt lời và Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm điểm, thì chứng khoán Nhật Bản duy trì đà tăng phiên thứ 6 liên tiếp, lên mức cao nhất 6 tuần nhờ được kích thích bởi phố Wall thiết lập mức cao lịch sử phiên trước đó.
Kết thúc phiên 19/7, chỉ số Nikke 225 tăng 225,46 điểm (+1,37%), lên 16.723,31 điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 129,98 điểm (-0,6%), xuống 21.673,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 6,96 điểm (-0,23%), xuống 3.036,60 điểm.
Việc thị trường chứng khoán chịu sức ép bán ra sau chuỗi lập đỉnh liên tiếp đã hỗ trợ cho giá vàng trong phiên thứ Ba. Ngoài ra, thông tin IMF cắt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2 năm tiếp theo cũng là động lực cho giá kim loại quý này hồi phục. Tuy nhiên, việc đồng USD tiếp tục tăng với chỉ số USDIndex lên mức cao nhất 4 tháng rưỡi đã hãm đà tăng của kim loại quý này.
Kết thúc phiên 19/7, giá vàng giao ngay tăng 3,2 USD (+0,24%), lên 1.331,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3 USD (+0,26%), lên 1.332,3 USD/ounce.
TĐồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 4 tháng rưỡi đã gây áp lực lên giá dầu thô, khiến giá nhiên liệu này tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần. Tuy nhiên, mức giảm được hạn chế nhờ được bù đắp bởi thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 2,3 triệu thùng trong tuần trước, theo số báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API), cao hơn mức dự báo 2,1 triệu thùng của giới phân tích.
Cũng theo API, tồn kho sản phẩm chưng cất bao gồm dầu diesel bất ngờ tăng 484.000 thùng và tồn kho xăng bất ngờ tăng 805.000 thùng.
Kết thúc phiên 19/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,59 USD/thùng (-1,32%), xuống 44,65 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,30 USD (-0,64%), xuống 46,66 USD/thùng.