Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 36 không còn mấy ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán, bởi thông tin về thông tư này đã được phản ánh hết vào giá trong giai đoạn thị trường giảm mạnh đầu tháng 12/2014. Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong mấy phiên trước và sau khi thông tư này có hiệu lực cho thấy, sức ảnh hưởng của Thông tư 36 vẫn rất lớn đối với thị trường chứng khoán.
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, cũng là ngày giao dịch đầu tiên sau khi Thông tư 36 có hiệu lực (1/2/2015), dòng tiền chảy vào thị trường đã sụt giảm mạnh. Trong phiên giao dịch sáng, tâm lý thăm dò là chủ yếu khiến thị trường diễn ra lình xình với thanh khoản thấp.
Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, lực bán đã gia tăng, nhất là ở các mã có tính chất đầu cơ, sau đó lan rộng ra khắp bảng điện tử, khiến 2 sàn chìm trong sắc đỏ. Sau đó, thị trường đã có những nỗ lực phục hồi, nhưng đợt xả hàng cuối phiên kéo cả quay đầu và giảm sâu hơn, VN-Index xuống mức giá thấp nhất trong ngày.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 5,7 điểm (-0,99%), xuống 570,37 điểm. VN30-Index giảm 8,08 điểm (-1,33%), xuống 598,46 điểm. Độ rộng của thị trường được mở rộng theo chiều hướng tiêu cực khi số mã giảm gấp hơn 3 lần số mã tăng (50 mã tăng so với 161 mã giảm).
Thanh khoản phiên hôm nay cũng sụt giảm khá mạnh khi tổng khối lượng giao dịch giảm gần 17% so với phiên cuối tuần trước, xuống 85,07 triệu đơn vị, tổng giá trị giao dịch giảm gần 20%, xuống 1.486,86 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 7 phiên.
Tương tự, HNX-Index cũng giảm 1,14 điểm (-,1,33%), xuống 84,42 điểm với 58 mã tăng và 140 mã giảm. HNX30-Index cũng giảm 1,64 điểm (-1%), xuống 162,84 điểm khi chỉ có 3 mã tăng, trong khi có tới 24 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,8 triệu đơn vị, giá trị 477,9 tỷ đồng, giảm gần 25% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên cuối tuần trước và là phiên có thanh khoản thấp nhất kể từ ngày 21/1.
Trên HOSE, các mã có tính đầu cơ cao đều bị bán mạnh, trong đó, OGC đóng cửa với sắc xanh mắt mèo, nhưng không còn dư bán sàn. Tổng khối lượng khớp đạt 4,84 triệu đơn vị, mức cao nhất trên sàn HOSE.
Ngoài OGC, hàng loạt mã khác như HQC, FLC, ITA, KBC, VHG, DLG… cũng đóng cửa trong sắc đỏ.
Không chỉ nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ, nhóm bluechip cũng không còn mã nào có được sắc xanh như phiên sáng. Trong số 50 mã tăng giá, chỉ có chưa tới 10 mã là tăng vững, còn lại đều chỉ là sắc xanh nhạt.
Trên HNX sắc xanh cũng chỉ còn xuất hiện lác đác ở một vài mã bluechip như PVS, FIT. Nếu không có những hỗ trợ đơn lẻ này, chắc chắn đà giảm của HNX-Index còn giảm mạnh hơn. Trong phiên chiều, có thêm 4 mã gia nhập “câu lạc bộ 1 triệu”, nâng tổng số mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị trên HNX lên 8 mã. Trong đó, tất cả 3 mã có thanh khoản tốt nhất trên HNX (trên 3 triệu đơn vị) đều đóng cửa với mức giá thấp nhất ngày là KLF, SCR và SHB.
Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước thoái chạy, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng tranh thủ bán ra là chủ yếu. Trong đó, họ bán ròng trên HNX hơn 700.000 đơn vị, giá trị bán ròng hơn 15 tỷ đồng.
Dù nhiều ý kiến đánh giá tích cực về Thông tư 36 đối với sự phát triển bền vững trong dài hạn của thị trường chứng khoán, nhưng rõ ràng, trong ngắn hạn, thị trường đang bị Thông tư 36 "lấy đi" khá nhiều. Và dĩ nhiên, với thị trường chứng khoán mà nhà đầu tư ngắn hạn, nhỏ lẻ chiếm số đông như chứng khoán Việt Nam, mất mát là không hề nhỏ.
Với tình hình này, hy vọng về mùa Xuân tràn đầy niềm vui như những năm trước của nhà đầu tư khó xảy ra trong năm nay.