Thị trường vẫn khá trầm lắng khi bước vào phiên giao dịch chiều, trừ diễn biến khá kịch tính tại FLC. Tuy nhiên, hôm nay là ngày cuối cùng tất toán danh mục của các quỹ ETFs nên tâm điểm chú ý sẽ là đợt khớp lệnh đóng cửa ATC.
Và đúng như dự kiến, sự đột biến đã diễn ra.
Tại thời điểm 14h, thanh khoản trên sàn HOSE chưa tới 1.500 tỷ đồng nhưng qua đợt khớp ATC, dòng tiền ngoại ồ ạt đổ vào thị trường giúp thanh khoản vượt mức 3.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là các cổ phiếu mới được thêm vào trong kỳ review này gồm KBC và KDC đã hấp thụ mạnh dòng tiền.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bluechip cùng các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản đã hỗ trợ tốt giúp thị trường duy trì sắc xanh và VN-Index chinh phục lại ngưỡng 575 điểm trong khi HNX-Index cũng lấy lại mốc 85 điểm.
Đóng cửa, VN-Index tăng 1,7 điểm (+0,3%) lên 575,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 151,54 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 3.151,82 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,21 triệu đơn vị, trị giá 230,79 tỷ đồng. Một điểm nhấn mới, đó là giao dịch thỏa thuận 990.000 trái phiếu BID1_106 với tổng giá trị 111,78 tỷ đồng.
Nhóm V30 có 19 mã tăng, 6 mã giảm và 5 mã đứng giá, chỉ số VN30-Index tăng 2,45 điểm (+0,41%) lên 603,76 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,63%) lên 85,13 điểm. Thanh khoản giảm gần 10% so với phiên trước đạt 524,42 tỷ đồng, tương ứng khối lượng hơn 37 triệu đơn vị. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 2,75 triệu đơn vị, trị giá 27,58 tỷ đồng.
HNX30-Index tăng 1,11 điểm (+0,68%) lên 162,95 điểm khi có tới 18 mã tăng, chỉ 3 mã giảm và 8 mã đứng giá.
Nhìn lại diễn biến toàn thị trường, các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng vẫn duy trì đà tăng gồm VCB, MBB, CTG, EIB, STB, BID. Trong đó, VCB và STB lần lượt tăng 1,45% và 1,05% và cùng khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị, trong đó, VCB được nhà đầu tư nước ngoài mua vào 2,17 triệu đơn vị.
Hai cổ phiếu được khối ngoại thêm mới trong kỳ cơ cấu là KBC và KDC lần lượt được mua vào kỷ lục hơn 14 triệu đơn vị và 6,33 triệu đơn vị. Nhờ dự hậu thuẫn của khối ngoại, cả hai cổ phiếu này đều đóng cửa trong sắc xanh hy vọng. Cụ thể, KBC đứng ở mức giá cao nhất trong phiên 17.000 đồng/CP, tăng 1,8% và khớp 15,57 triệu đơn vị; còn KDC tăng 1,05% lên 48.000 đồng/CP và khớp 6,6 triệu đơn vị.
Ngày cuối tuần, FLC sau phiên nghỉ dưỡng sức đã hồi mạnh. Lực cầu nội và ngoại gia tăng mạnh giúp FLC có thời điểm chạm trần, tuy nhiên, áp lực chốt lời ở mức giá này khá cao với lượng dư bán trần hơn 6,8 triệu đơn vị khiến cổ phiếu này đóng cửa ở sát mức trần.
Kết thúc phiên FLC đã tăng 700 đồng/CP lên mức 12.300 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt hơn 33 triệu đơn vị và nhà đầu tư nước ngoài mua vào 3,43 triệu đơn vị.
Tương tự, HAI sau chuỗi ngày giảm mạnh cũng đã phi nước đại lên thẳng mức trần với lượng dư mua trần chất đống. Đóng cửa, HAI tăng 6,62% lên 14.500 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt 3,97 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, TSC ghi nhận phiên thứ 4 liên tiếp tăng trần với mức tăng 6,8% lên 22.000 đồng/CP, tuy nhiên thanh khoản không còn nhỏ giọt như các phiên trước với lượng khớp lệnh hơn 762.000 đơn vị, dư mua trần hơn 1,46 triệu đơn vị. Điểm bùng nổ khối lượng giao dịch có thể xuất hiện vào tuần tới.
Trong khi đó, trên sàn HNX, giao dịch không có nhiều biến động bởi không chịu tác động mạnh từ dòng vốn ngoại. Các cổ phiếu dẫn dắt như ACB, VCG, SHB, SCR, KLF, BVS… vẫn là lực đỡ chính giúp thị trường chinh phục lại mốc 85 điểm.
Hai cổ phiếu KLF và FIT dẫn đầu thanh khoản trên sàn với khối lượng khớp lệnh lần lượt hơn 4,6 triệu đơn vị và 3,56 triệu đơn vị, đóng cửa KLF tăng 1,85% và FIT tăng 0,5%.
Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong phiên hôm nay đã đóng góp rất lớn vào thanh khoản thị trường, trong đó, trên sàn HOSE, khối này đều giao dịch mua-bán đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Tính chung trong phiên hôm nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 240 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Nhìn lại diễn biến giao dịch của cả tuần qua có thể thấy, xu hướng chung là không quá xấu và cũng không thấy khả quan. Ngoại trừ một số mã trước áp lực tăng vốn đang có diễn biến sôi động, còn hầu hết các mã còn lại giao dịch ở trạng thái cầm chừng và thiếu lực đẩy.