VW đang nằm trong tầm ngắm điều tra của hàng loạt quốc gia trên thế giới
Volkswagen là tập đoàn chế tạo xe hơi lớn nhất của Đức và là một trong ba hãng xe hơi lớn nhất của thế giới (cùng với GM của Mỹ và Toyota của Nhật Bản). Volkswagen sản xuất các thương hiệu xe VW, SEAT, Skoda, MAN và một số thương hiệu hạng sang như Audi, Porsche, Bugatti…
Chiến lược gia toàn cầu tại Société Générale, Kit Juckes nhận định “Bê bối của VW là một sự kiện bất thường tác động tới các thị trường toàn cầu. Đó là điều hiếm thấy song lại đang xảy ra với hãng chế tạo ô tô lớn thứ hai thế giới này, tạo ra những rủi ro tới thị trường chứng khoán và làm đồng euro xuống giá so với đồng USD và yên Nhật”.
Cuộc điều tra của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã phát hiện VW sử dụng phần mềm khai gian về lượng khí thải lắp trên 500.000 chiếc xe chạy bằng động cơ diesel của hãng. Trang tin Bloomberg dẫn nguồn tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, cơ quan này chắc chắn sẽ tiến hành một cuộc điều tra đối với VW, mà mức phạt tối đa theo ước tính của EPA có thể lên tới 18 tỷ USD.
Vụ bê bối gian lận tiêu chuẩn khí thải của VW được xem là sẽ có những tác động tiêu cực tới việc làm trong ngành chế tạo xe hơi Đức, cũng như đối với hình ảnh cường quốc xuất khẩu của nước này. Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) ông Marcel Fratzscher cho rằng, thiệt hại về uy tín của VW sẽ không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Một số quốc gia trên thế giới cũng đặt VW vào tầm ngắm điều tra như Pháp, Hàn Quốc hay Mexico. Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin đã lên tiếng kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra toàn châu Âu đối với VW hay Bộ trưởng Môi trường Mexico cho biết, Cơ quan Bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tư pháp nước này đang tiến hành điều tra 11 loại động cơ nhằm xác định độ tin cậy trong các báo cáo của VW về lượng khí thải.
Trong những phiên giao dịch đầu tuần trước, giá cổ phiếu của VW liên tục giảm mạnh và chỉ tăng nhẹ trở lại (2%) vào phiên cuối tuần (25/9), sau khi hãng này lựa chọn xong vị CEO mới. Trước đó, chỉ trong hai ngày giao dịch (21-22/9), cổ phiếu của VW đã mất khoảng 35% giá trị do ảnh hưởng của vụ bê bối này.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực đã có phiên tăng nhẹ trở lại trong ngày cuối tuần, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015 trong phiên trước đó. Cổ phiếu của các hãng sản xuất ô tô và phụ kiện dẫn đầu đà tăng, tuy nhiên vẫn duy trì mức giảm mạnh trong cả tuần.
Chốt phiên cuối tuần, chỉ số FTS Eurofirst giảm hơn 1%, chỉ số DAX (Đức) giảm 2,3% và chỉ số CAC 40 (Pháp) giảm 1,22%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng euro hiện mất giá khoảng 1,3% so với USD và mất 1,2% giá trị so với yên Nhật, kể từ cuối tuần qua, khi EPA đưa ra những cáo buộc đối với Volkswagen. Về phần mình, Volkswagen đã đưa ra lời xin lỗi và cam kết chi 7 tỷ USD để khắc phục các hậu quả.
Riêng trên thị trường chứng khoán Đức, “sự kiện Volkswagen” tác động nhất định tới các mã cổ phiếu blue-chip khác (cổ phiếu các công ty có giá trị vốn hóa thị trường cao). Công ty tài chính Société Générale cảnh báo các nhà đầu tư nên cẩn trọng và tránh xa chỉ số DAX 30 của thị trường chứng khoán Đức tại thời điểm hiện tại. Trong phiên cuối tuần, chỉ số DAX đã tăng 3,2%, tuy nhiên vẫn thấp hơn khoảng 20% so với mức kỷ lục 12.390,75 điểm vào tháng 4/2015.
“Có khả năng cổ phiếu của ngành công nghiệp ô tô Đức rơi vào tình trạng treo, khi Volkswagen phải giải quyết hậu quả từ vụ bê bối này”.
Đánh giá về điều này, các nhà đầu tư cũng được khuyến cáo cân nhắc kỹ khi dầu tư vào cổ phiếu ô tô, khi họ chưa biết chắc chắn rằng công ty nào sẽ là “nạn nhân” kế tiếp, hai chuyên gia phân tích Roland Kaloyan và Kevin Redureau nhận định.
Hai ngân hàng hàng đầu Deutsche Bank và J.P. Morgan cũng vừa hạ dự báo về mức độ tín nhiệm tương ứng của Volkswagen. Đây thực sự là tin xấu với hàng loạt mã cổ phiếu của Volkswagen, BMW và Daimer niêm yết trên thị trường chứng khoán Đức, cũng như các nhà sản xuất lốp xe, hệ thống phanh và phụ tùng xe hơi như Continental AG.
Ngành chế tạo ô tô hiện chiếm tới 17% quy mô trên chỉ số DAX, so với chỉ 6% của Eurostoxx và 5% của CAC 40.