Thủ tướng Merkel cho biết, bà đang tìm kiếm “một thỏa thuận có thể chấp nhận được” từ Hy Lạp khi nước này đang cố gắng tìm kiếm khoản hỗ trợ 10 tỷ euro (11,3 tỷ USD) nhằm có thêm thời gian để thương thuyết với các chủ nợ trước khi cuộc họp các bộ trưởng tài chính châu Âu diễn ra vào thứ Tư (18/2) sắp tới.
Hy Lạp sẽ phải tìm một được gói cứu trợ 10 tỷ euro mà họ gọi là “kế hoạch cầu nối “trong một thời gian ngắn nhằm thoát khỏi tình trạng cạn kiệt tiền mặt và có thêm thời gian để thương thuyết với các chủ nợ sau khi tuyên bố xóa bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng.
Bộ trưởng tài chính Pháp, ông Michel Sapin cho biết: “Trong ngắn hạn, chúng ta cần phải cùng nhau thực hiện một chương trình cứu trợ mở rộng mà Hy Lạp gọi là kế hoạch cầu nối. Sau đó, chúng ta sẽ tìm kiếm một giải pháp cho trung hạn và tiếp tục tiến về phía trước cho tới tháng 6 tới”.
Ông Michel Sapin lập luận rằng kế hoạch trên là cần thiết và có liên quan chặt chẽ tới số nợ 240 tỷ euro trước đó của Hy Lạp. Nếu Hy Lạp cạn kiệt tiền mặt vào cuối tháng 2 này khi gói cứu trợ trước đó đến ngày hết hạn, châu Âu sẽ lâm vào tình thế hiểm nghèo không có lối thoát.
Tuy nhiên, các chính trị gia Đức khẳng định rằng họ sẽ không mở rộng sự hỗ trợ cho Hy Lạp mà không có các điều kiện kèm theo. Hôm thứ Hai (9/2), tại Washington, bà Merkel cho biết việc các yêu cầu của gói cứu trợ trước đó còn tồn tại là điều kiện cơ bản để tiếp tục đối thoại với Hy Lạp.
Không chỉ phải đàm phán với châu Âu, Chính phủ Hy Lạp còn phải tìm sự đồng thuận từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Chứng khoán châu Âu nhanh chóng chịu ảnh hưởng khi các nhà đầu tư lo ngại về vấn đề chính trị giữa Hy Lạp và chính phủ các nước thành viên liên minh châu Âu, trong khi giá dầu và giá gas tiếp tục giảm. Chỉ số giá của nhóm cổ phiếu dầu và gas Stoxx 600, tại Mỹ phiên đầu tuần (9/2) đã giảm lần đầu tiên trong vòng 4 ngày khi tình trạng đầu cơ của các nhà cung cấp dầu của Mỹ tiếp tục khiến thị trường trở nên ảm đạm. Cổ phiếu của Tập đoàn Royal Dutch Shell Plc và BP Plc đã giảm ít nhất 1%.
Còn chỉ số này của châu Âu cũng đã giảm 0,1% xuống còn 370,1 điểm lúc 9h20 theo giờ London.
Cũng trong phiên đầu tuần, chỉ số DAX của Đức giảm mạnh nhất khi mất gần 1,7%, bất chấp dữ liệu xuất nhập khẩu khả quan của nước này vừa được công bố.
Kết thúc phiên 9/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 16,29 điểm (-0,24%), xuống 6.837,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 182,88 điểm (-1,69%), xuống 10.663,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 52,22 điểm (-1,11%), xuống 4.651,08 điểm.
Câu chuyện của châu Âu không chỉ gói gọn tại Hy Lạp. Doanh thu của UBS Group AG giảm gần 3,6% so với mục tiêu đề ra. Theo như thông báo của ngân hàng này, việc đồng Franc tăng giá và lãi suất âm của Thụy Sỹ cũng như của các nước châu Âu đã tạo áp lực lớn lên lợi nhuận cũng như mục tiêu doanh thu mà họ đã đề ra trong năm. Điều này buộc họ phải hạ mức doanh thu mục tiêu trong năm 2015 xuống thấp hơn dự tính ban đầu.
Lợi nhuận của Michelin & Cie cũng giảm 4,5%. Nhà sản xuất lốp xe hơi lớn nhất châu Âu cho biết, doanh số trong năm ngoái đã giảm so với dự đoán trước đó do nhu cầu yếu đi cũng như đồng tiền mất giá.