Chứng khoán châu Á sửa lỗi định giá

Chứng khoán châu Á sửa lỗi định giá

(ĐTCK) Triển vọng kết thúc các chính sách QE trong trung hạn sẽ dẫn tới việc đánh giá lại rủi ro, đặc biệt là rủi ro chính sách vĩ mô.

Từ giữa tháng 5 năm nay, các thị trường đã biến động ngày càng mạnh hơn với viễn cảnh về chính sách giảm dần gói nới lỏng định lượng (QE) của Chính phủ Mỹ. Các chính sách QE nhằm vào việc khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư thêm vào các tài sản có độ rủi ro cao hơn (thông qua việc giảm lợi nhuận thu về từ các tài sản mang tính an toàn). Chính sách đã chứng minh thành công và lãi suất trên rủi ro giảm xuống mức thấp khi có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia. Triển vọng kết thúc các chính sách QE trong trung hạn sẽ dẫn tới việc đánh giá lại rủi ro, đặc biệt là rủi ro chính sách vĩ mô.

Một vài tài sản đã giảm về khối lượng đầu tư, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, phản ánh việc đánh giá lại rủi ro này và theo định nghĩa, động thái này sẽ chỉ kéo dài tạm thời nếu các yếu tố cơ bản giữ nguyên không thay đổi.

Người ta thường biết đến rủi ro chính sách vĩ mô tại các thị trường đã phát triển và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tính bền vững của nợ công. Nhưng ngay cả các thị trường mới nổi cũng đang chịu những thử thách. Điều quan trọng nhất là sự suy giảm thặng dư của tài khoản vãng lai kể từ đổ vỡ của bong bóng tín dụng năm 2007. Các nước có thị trường tài khoản vãng lai thâm hụt ngày càng phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài và kéo theo là tiền tệ của họ rất dễ bị tác động.

Các rủi ro vĩ mô này đã bị đánh giá sai cho tới gần đây và với các biện pháp sửa đổi trong vòng 6 tháng qua, thì có khả năng sẽ không còn bị đánh giá sai nữa. Có vẻ như kịch bản có thể xảy ra nhất cho năm 2014 vẫn là khả năng phục hồi kinh tế từ từ do tài khóa phục hồi tại hầu hết các quốc gia.

 

Chứng khoán

Với bức tranh kinh tế như hiện tại, chứng khoán công ty là tài sản được ưa thích nhất so với các trái phiếu chính phủ chất lượng nhất dựa theo giá trị và kỳ vọng thu nhập từ trung tới dài hạn, và trong bối cảnh QE sẽ được kéo dài.

 

Chứng khoán châu Á sửa lỗi định giá ảnh 1

Ông Herve Lievore, tác giả bài viết hiện là Chiến lược gia cấp cao về vĩ mô và đầu tư, Khối quản lý tài sản của HSBC

Trong các chứng khoán công ty, cổ phiếu hấp dẫn hơn cả do tiềm năng tăng giá giữa bối cảnh phục hồi kinh tế toàn cầu chưa đồng đều. Sự phục hồi toàn cầu được kỳ vọng sẽ diễn ra trong nửa sau của năm một khi sự suy giảm thâm hụt tài khóa ở Mỹ và có thể là ở khu vực đồng tiền chung châu Âu có tác động. Nhưng rõ ràng là cuộc đối đầu giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về vấn đề trần nợ công có thể trì hoãn kịch bản này.

Chứng khoán ở châu Á ngoài Nhật Bản đang được giao dịch với giá trị tương đối thực và không khác mấy so với các cổ phiếu tại châu Âu.

Tùy thuộc vào chỉ số, Trung Quốc là một thị trường hoạt động vừa tốt nhất lại vừa tệ nhất trong số các thị trường mới nổi ở châu Á trong năm nay. Chứng khoán Trung Quốc thoát khỏi một số tổn thất với sự hỗ trợ khi thị trường tiền tệ bớt căng thẳng, trong khi một triển vọng tốt đẹp hơn đối với lợi nhuận biên và việc định giá thấp có thể đem lại giá trị trong trung hạn. Tuy nhiên, với các rủi ro chính sách vĩ mô được cân bằng và triển vọng thị trường thuận lợi, TTCK Trung Quốc tiếp tục mang lại các cơ hội đầu tư.

Tại Ấn Độ, bất chấp tính sinh lợi mạnh mẽ của chứng khoán Ấn Độ, thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng đi xuống do các yếu tố vĩ mô. Trong khi triển vọng từ trung hạn tới dài hạn của chứng khoán Ấn Độ vẫn còn tốt.

 

Trái phiếu

Thực tế cho thấy, ảnh hưởng của viễn cảnh ngưng QE là rất to lớn và việc trì hoãn trong tháng 9 sẽ chỉ khiến cho tiến trình gây nhiều hệ lụy hơn. Nếu mức độ tín nhiệm tăng lên và thị trường trái phiếu có sự điều chỉnh lớn sẽ có khả năng tạo ra các cơ hội cho thị trường nợ công ty và mới nổi cho các nhà đầu tư dài hạn. Chúng tôi không nghĩ các thị trường này được định giá quá cao nhưng có khả năng bị biến động trong ngắn hạn. Chúng tôi vẫn tin tưởng rằng, lợi suất trái phiếu chính phủ có độ tín nhiệm cao vẫn không hấp dẫn bất kể những biến động trong ngắn hạn.

Trái phiếu châu Á ổn định xét về chất lượng tín dụng. Lợi suất trái phiếu các thị trường mới nổi đã tăng lên kể từ đầu năm trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao hơn và quan trọng hơn là mức độ tín nhiệm tăng lên. Tại châu Á, phần lợi suất tăng mạnh do lợi suất Mỹ tăng và rủi ro tín dụng đóng vai trò thứ yếu. Các nhà phát hành châu Á đưa ra mức chấp nhận rủi ro tốt hơn các đồng nghiệp ở châu Mỹ Latinh hay châu Âu, Trung Đông và châu Phi, đem lại lợi thế cạnh tranh trong thời điểm biến động. Tuy nhiên, xét về dài hạn, trái phiếu tại các thị trường mới nổi bên ngoài châu Á có thể đem lại những cơ hội tốt.

Với những bất ổn kéo dài, có một nhu cầu mạnh mẽ để lựa chọn tài sản khi đi tìm cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, khi biến động có khả năng xảy ra trong ngắn hạn, các nhà đầu tư được khuyến cáo đa dạng hóa danh mục tài sản. Điều này sẽ giúp họ tối thiểu hóa biến động và bắt kịp được các cơ hội đầu tư giá trị cao.