Chứng khoán châu Á gặp nhiều rủi ro hơn khi Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một đợt sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán trên quy mô lớn ở châu Á vào thứ Ba (ngày 16/4) đang làm tăng thêm mối lo ngại về sự mong manh của khu vực khi đối mặt với lãi suất tăng cao và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Chứng khoán châu Á gặp nhiều rủi ro hơn khi Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất

Chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương đã giảm tới 2,2%, là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2023, thậm chí chỉ còn chưa đầy 1% nữa là có thể xóa bỏ mức tăng kể từ đầu năm 2024.

Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng chi phí vay cao liên tục do nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ cũng như giá dầu tăng cao sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho châu Á do áp lực từ đồng đô la mạnh hơn và sự phụ thuộc vào năng lượng của khu vực. Những nghi ngờ kéo dài sự phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc sau một loạt dữ liệu quý I cũng làm che mờ kỳ vọng về sự cải thiện bền vững lợi nhuận của châu Á. Chứng khoán khu vực hoạt động kém hơn so với các cổ phiếu ở Mỹ và châu Âu vào năm 2023.

Manish Bhargava, nhà quản lý quỹ tại Straits Investment Holdings cho biết: “Châu Á, với nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu, có thể đặc biệt dễ bị tổn thương trước đồng đô la Mỹ mạnh hơn, thường đi kèm với quan điểm diều hâu của Fed…”.

Diễn biến chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương

Diễn biến chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, hầu hết sự tăng giá của chỉ số chứng khoán châu Á trong 12 tháng qua đều đến từ mức định giá tăng 6,5%, trong khi ước tính lợi nhuận hầu như không thay đổi. Ngược lại, chỉ số MSCI World Index của các thị trường phát triển đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 6,5% trên cả hai khía cạnh là mức định giá và ước tính lợi nhuận trong cùng kỳ.

Trong khi chỉ số châu Á được ước tính mang lại mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm là 4,1% trong khoảng quý I/2024 - ghi nhận mức tăng đầu tiên trong 8 quý, thì triển vọng cho thời gian còn lại của năm 2024 hiện đang bị nghi ngờ khi đối mặt với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như không còn vội vàng cắt giảm lãi suất nữa.

Tareck Horchani, người đứng đầu bộ phận môi giới chính tại Maybank Securities Pte cho biết: “Các thị trường và nền kinh tế châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương do dự đoán lãi suất Mỹ cao hơn kéo dài, điều này đã được củng cố bởi các tuyên bố từ các quan chức Fed…Có thể có áp lực lên tiền tệ, dòng đầu tư, nền kinh tế, chu kỳ nới lỏng tiền tệ và thương mại”.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết, sự chậm trễ của Fed được cho là khiến các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines phải hoãn việc cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, triển vọng phục hồi của Trung Quốc có vẻ không chắc chắn sau khi dữ liệu cho thấy mặc dù nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý I, nhưng doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp đáng thất vọng trong tháng 3 cho thấy động lực đã bắt đầu mờ nhạt.

Tin bài liên quan