Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 10% tính từ mức đỉnh ngày 17/2 và xóa sạch tất cả các mức tăng trong gần nửa đầu năm nay. Sau khi dữ liệu hôm thứ Tư (12/5) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 tăng cao nhất kể từ năm 2009, điều này càng dấy lên mối lo ngại về lạm phát.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương |
Ken Peng, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư châu Á tại Ngân hàng Citigroup cho biết: “Chúng ta cần định giá lại trong một môi trường lãi suất bình thường hơn, một môi trường lạm phát bình thường hơn. Sự rung chuyển của thị trường có thể kéo dài thêm một thời gian nữa, nhưng tôi vẫn không quá lo lắng bởi vì tăng trưởng sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất khi lãi suất bình thường hóa".
Việc bán tháo ở thị trường chứng khoán châu Á là điểm nhấn trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần này do giá hàng hóa bùng nổ có nguy cơ đẩy lạm phát lên cao. Thị trường châu Á cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng mới về ca nhiễm Covid-19 ở một số quốc gia gồm Ấn Độ, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á bên cạnh việc triển khai vắc xin chậm và sự chậm trễ trong việc mở lại biên giới khiến các nhà đầu tư chứng khoán lo ngại.
Cổ phiếu công nghệ là những cổ phiếu đi đầu trong đà lao dốc mạnh gần đây. Trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu đang phải đối mặt với lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn và định giá kéo dài, tâm lý ở châu Á cũng bị tổn thương do việc thắt chặt quy định ở Trung Quốc.
Tính mùa vụ cũng đóng một vai trò nhất định. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tháng 5 thường là tháng tồi tệ nhất đối với Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương với mức giảm trung bình 2% trong 10 năm qua. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số này đã giảm 3,8% trong tháng 5.
Theo đó, chứng khoán khu vực châu Á đang tụt lại so với các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu vào năm 2021 sau khi dẫn đầu mức tăng cổ phiếu toàn cầu vào năm ngoái. Trong khi chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương hiện đã giảm 0,7% tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số S&P 500 và chỉ số Stoxx 600 đều tăng khoảng 8%.
Kyle Rodda, nhà phân tích tại IG Markets ở Melbourne cho biết: “Tôi cho rằng có sự lo lắng khi chúng ta đã đạt được đỉnh cao trong ngắn hạn đối với định giá cổ phiếu ở châu Á”.
Ông cho biết, đang có một vài thách thức làm giảm sức hút đối với chứng khoán châu Á. “Sự thắt chặt của Fed rõ ràng là một mối quan tâm cấp bách hiện nay và khá nhạy cảm dôi với các thị trường mới nổi. Ngoài ra, có mối lo ngại gia tăng rằng nền kinh tế Trung Quốc đang ổn định và điều này đã được phản ánh vào thị trường”.
Theo báo cáo ngày 7/5 từ EPFR, các dòng vốn gần đây cho thấy sự quan tâm từ các nhà đầu tư toàn cầu vào chứng khoán châu Á cũng đang tụt hậu so với các khu vực khác. Kể từ đầu quý II/2021, hơn 36 tỷ USD đã đổ vào các quỹ đầu tư cổ phiếu ở Bắc Mỹ và châu Âu so với chỉ 2 tỷ USD đổ vào các quỹ châu Á.