Vào thứ Bảy tuần trước, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (eurozone) đã họp để bàn về tình hình nợ của Hy Lạp. Trong cuộc họp này, các bộ trưởng tài chính eurozone đã từ chối bản kế hoạch gia hạn gói cứu trợ thêm 1 tháng mà Athens đề xuất, đẩy Hy Lạp tới gần hơn nguy cơ vỡ nợ.
Bên cạnh đó, việc Quốc hội Hy Lạp biểu quyết đồng ý với đề nghị của Thủ tướng Alexis Tsipras tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5/7 về các điều kiện của thỏa thuận cứu nguy tài chính sắp hết hiệu lực gây thất vọng cho giới lãnh đạo EU. Theo EU, quyết định này của Hy Lạp khiến cho cánh cửa đàm phán bị đóng lại và khu vực sẽ thảo luận về “các hậu quả”. Như vậy, giới chức Eu đã chuẩn bị cho việc Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi eurozone.
Ngoài tin tức tiêu cực từ Hy Lạp, người đứng đầu Puerto Rico (một lãnh thổ của Mỹ), Alejandro Garcia Padilla tạo thêm mối lo cho giới đầu tư khi cho biết, nợ của hòn đảo là "không phải trả". Puerto Rico có khoảng 72 tỷ USD trong khoản nợ là trái phiếu đô thị được mua bởi các nhà đầu tư Mỹ như OppenheimerFunds, Franklin Resources, Lord Abbett và Nuveen, Bloomberg báo cáo tháng trước. Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới nhất Nhà Trắng cho biết, không có gói cứu trợ liên bang của lãnh thổ Mỹ được đưa ra tới đây và Puerto Rico không thể tuyên bố phá sản như Detroit và các thành phố khác đã làm, trừ khi Quốc hội hành động để thay đổi luật.
Những thông tin tiêu cực trên khiến phố Wall giảm mạnh 2% trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Dow Jones giảm 350,33 điểm (-1,95%), xuống 17.596,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,85 điểm (-2,09%), xuống 2.057,64 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 122,04 điểm (-2,40%), xuống 4.958,47 điểm.
Cũng giống chứng khoán Mỹ, thông tin tiêu cực về tình hình nợ Hy Lạp cũng khiến các chỉ số chứng khoán chính của khu vực này lao dốc trong phiên đầu tuần mới khi ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất trong 8 tháng.
Kết thúc phiên 29/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 133,22 điểm (-1,97%), xuống 6.620,48 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 409,23 điểm (-3,56%), xuống 11.083,20 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 189,35 điểm (-3,74%), xuôngs 4.869,82 điểm.
Lo lắng về khả năng Hy Lạp vỡ nợ cũng khiến chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất kể từ 6/1, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ 19/6.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp bất chấp thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất. Sự sụt giảm của chứng khoán đại lục và nỗi lo Hy Lạp vỡ nợ cũng khiến chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 596,20 điểm (-2,88%), xuống 20.109,95 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 696,89 điểm (-2,61%), xuống 25.966,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 139,84 điểm (-3,34%), xuống 4.053,03 điểm.
Trong khi chứng khoán chao đảo bởi thông tin Hy Lạp, thì vàng lại được hưởng lợi. Sau thông tin khả năng Fed tăng lãi suất, thông tin về tình hình nợ Hy Lạp đã gắn chặt với giá vàng từ nhiều tháng nay và khi khả năng vỡ nợ của Hy Lạp ngày càng hiện hữu, thì vai trò trú ẩn của vàng đã được tăng lên, giúp giá kim loại quý này tăng trong phiên đầu tuần. Ngoài ra, đồng USD giảm 0,6% trong phiên giao dịch đầu tuần cũng hỗ trợ cho giá vàng.
Kết thúc phiên 29/6, giá vàng giao ngay tăng 5,9 USD (+0,5%), lên 1.180,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 5,3 USD/ounce (+0,45%), lên 1.179,0 USD/ounce.
Trong khi đó, bất chấp đồng USD giảm trở lại, nhưng mối lo về kinh tế toàn cầu khiến giá dầu giảm mạnh khi mở đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 29/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,3 USD/thùng (-2,23%), xuống 58,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,25 USD (-2,02%), xuống 62,01 USD/thùng.