Phố Wall mở cửa trong sắc đỏ do áp lực chốt lời và nỗ lo về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 sau các dữ liệu kinh tế vừa công bố cho thấy, sức khỏe nền kinh tế khả qua và nỗi lo lớn nhất với nền kinh tế lớn nhất thế giới này dường như đã qua đi.
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ khi nhóm cổ phiếu này tiếp tục tăng, vượt qua cả mức điểm đạt được trong thời kỳ dotcom 2000. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu năng lượng cũng tăng mạnh khi giá dầu thô vọt tăng mạnh trong phiên.
Với sự hỗ trợ của 2 nhóm cổ phiếu trên, phố Wall đã đảo chiều tăng trở lại và duy trì sắc xanh cho đến hết phiên giao dịch.
Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Dow Jones tăng 89,39 điểm (+0,5%), lên 17.918,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,74 điểm (+0,27%), lên 2.109,79 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,98 điểm (+0,35%), lên 5.145,13 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực chủ yếu dao động trong sắc đỏ trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, nhờ tín hiệu tích cực từ phố Wall, các chỉ số đã lần lượt hồi phục thành công và đóng cửa trên tham chiếu. Dù vậy, mức tăng bị hạn chế do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi Standard Chartered và UBS báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan.
Kết thúc phiên 3/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 21,81 điểm (+0,34%), lên 6.383,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 0,48 điểm (+0,00%), lên 10.951,15 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 19,97 điểm (+0,41%), lên 4.936,18 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông hồi phục mạnh nhờ tác động tích cực trước đó của phiên Mỹ với nhóm cổ phiếu công nghệ lên mức cao nhất 15 năm. Trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục có phiên giảm điểm khi nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 198,39 điểm (+0,89%), lên 22.568,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 8,39 điểm (-0,25%), xuống 3.316,69 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.
Trên thị trường vàng, giá vàng đã có những nỗ lực phục hồi trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp và xuống mức thấp nhất 4 tuần trong phiên châu Á. Tuy nhiên, với những lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất, giá vàng đã đảo chiều đi xuống khi chạm ngưỡng 1.138 USD/ounce. Khi giá vàng xuống đến mức 1.130 USD/ounce, lệnh bán tự động đã được kích hoạt, đẩy giá kim loại quý này giảm sâu hơn nữa trong phiên thứ Ba trên thị trường Mỹ, xuyên thủng luôn cả mốc 1.120 USD/ounce.
Kết thúc phiên 3/11, giá vàng giao ngay giảm 16,2 USD (-1,43%), xuống 1.117,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 21,8 USD (-1,92%), xuống 1.114,1 USD/ounce.
Trong khi vàng lao dốc, thì dầu thô bất ngờ nhận được thông tin hỗ trợ tích cực để tăng mạnh trong phiên thứ Ba. Cụ thể, tại Brazil, các công nhân ngành dầu mỏ đang đình công, khiến sản lượng của nhà sản xuất dầu lớn thứ 9 này giảm ngay 0,5 triệu thùng trong 24 giờ đầu tiên diễn ra cuộc đình công. Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Lybia cũng đang bị hạn chế kh cảng phía Đông Zueitina đóng cửa.
Kết thúc phiên 3/11, giá dầu thô Mỹ tăng 1,76 USD/thùng (+3,67%), lên 47,9 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,75 USD (+3,46%), lên 50,54 USD/thùng.