Chứng khoán BSC: Nhiều ngân hàng đã được nới room tín dụng

Chứng khoán BSC: Nhiều ngân hàng đã được nới room tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng vừa được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng giúp thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt với bối cảnh chạm trần tín dụng sau 9 tháng đầu năm 2021.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021. Trong báo cáo này, BSC cho biết, room tín dụng mới đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tới từng ngân hàng thương mại.

Cụ thể, TPBank là ngân hàng được cấp room tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm 2021, nới thêm đáng kể so với mức 17,4% trước đó. 3 ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBB (21%).

Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%). Trong khi đó, 2 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%. BSC tính toán, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.

“Với việc được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, mục tiêu tín dụng 13% trong năm 2021 được hỗ trợ bởi việc nới chỉ tiêu tín dụng vừa qua của các ngân hàng”, BSC nhận định.

BSC cho rằng, dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021, và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được. Trong năm 2022, BSC cho rằng, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao xấp xỉ 13%, được hỗ trợ bởi kinh tế hồi phục sau dịch bệnh và gói hỗ trợ có thể lên đến 800.000 tỷ đồng trong 2 - 3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất - kinh doanh.

Cũng theo BSC, các ngân hàng, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giúp doanh nghiệp, người đi vay vốn giảm bớt khó khăn trong thời gian dịch bệnh.

Lãi suất cho vay giảm nên biên lãi ròng (NIM) trong quý III/2021 đã giảm 20 điểm phần trăm so với quý II/2021, đạt mức 4%. Ngoài ra, việc giảm lãi suất sẽ tạm thời giảm kỳ vọng tăng trưởng thu nhập đầu tư ròng (NII) trong quý IV/2021, tuy nhiên với mức tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ giúp các ngân hàng có mức nền tín dụng cao, chuẩn bị cho tăng trưởng trong năm 2022.

BSC cho rằng, NIM trong năm 2022 sẽ tăng 35 điểm phần trăm so với năm 2021 do phục hồi của nền kinh tế giúp tăng trưởng tín dụng cao, đặc biệt tập trung vào nhóm SME và cá nhân với NIM cao. Ngoài ra, lãi suất cho vay phục hồi sau thời gian hỗ trợ (ước tính hết năm 2021), cùng với đó là tăng cơ cấu CASA trong năm 2022 giúp giảm chi phí vốn.

Điểm đáng chú ý, theo BSC, tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ ở mức cao và đang được cải thiện. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam làm dấy lên lo ngại về việc giảm chất lượng tài sản. BSC cho rằng, mặc dù có sự ảnh hưởng giảm chất lượng tài sản, với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay (khoảng 1,6 - 1,7% nợ xấu). Một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng, và cải thiện mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu (BID, MBB, TCB, VCB,...)

Bên cạnh đó, nợ tái cơ cấu tăng trở lại lên mức 1,5% do làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần 4. Một số ngân hàng cũng đã trích lập từ 30 - 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu hiện tại và dự kiến sẽ trích lập theo Thông tư 03 trong thời gian tới. BSC cho rằng, dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

“Chỉ số đánh giá lợi nhuận thông qua hoạt động, chi phí điều hành (TOI) của ngân hàng tạo ra ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng. Bên cạnh đó, dự kiến các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế”, BSC nhận định.

Tin bài liên quan