Ðầu tiên, Apple công bố doanh thu thấp hơn 5 tỷ USD so với dự báo trước đó, đồng thời nhấn mạnh tới khó khăn mà Công ty phải đối mặt do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ngay lập tức giá cổ phiếu Apple giảm mạnh, đẩy giá trị thị trường của Công ty xuống dưới 700 tỷ USD.
Trong 3 tháng qua, cổ phiếu này đã giảm giá hơn 30%. Tiếp theo đó, các chỉ số đo lường sức mạnh và hoạt động của các ngành công nghiệp Mỹ được công bố với con số ở mức thấp nhất 2 năm qua, trái ngược với mọi ước tính được đưa ra trước đó.
Ðiều gì đang xảy ra? Trong 4 quý qua, khi chỉ số S&P 500 giảm tới 19,8% và bước vào thị trường giá xuống (bear market), nhà đầu tư luôn được trấn an rằng: Ðừng hoảng loạn, nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp đang rất vững vàng. Nhưng tới nay, điều này dường như không còn đúng.
Với diễn biến này, không khó hiểu khi trong phiên gần cuối tuần trước, sự tự tin của nhà đầu tư vốn đang rất mong manh lại tiếp tục bị chấn động. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm hơn 600 điểm, tương đương 2,6%. Chứng khoán Mỹ chao đảo tạo tác động lan tỏa tiêu cực tới nhiều thị trường khác trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sau khi cuống cuồng bán ra, giới đầu tư lập tức “hoảng loạn” mua vào trong phiên cuối tuần, giúp chỉ số Dow Jones tăng hơn 750 điểm. Nguyên nhân xuất phát từ những phát ngôn của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về vấn đề lãi suất và một số thông tin kinh tế tích cực. Việc thị trường biến chuyển quá dữ dội trong thời gian ngắn đang cho thấy tâm lý nhà đầu tư không hề vững vàng.
“Thị trường là nơi kết tinh tri thức và cả bản lĩnh của giới đầu tư. Một khi thị trường chứng khoán có những biến động lên xuống rất mạnh, nó đang muốn nói cho chúng ta biết những điều tích cực hoặc tiêu cực sắp xảy đến trong tương lai. Trong bối cảnh này, diễn biến đi xuống rõ ràng là dấu hiệu của việc triển vọng nền kinh tế không lấy làm sáng sủa”, Alec Young, giám đốc khối nghiên cứu thị trường toàn cầu của FTSE Russell cho biết.
Tuy nhiên, thực tế, diễn biến của thị trường chứng khoán đang làm đau đầu giới chuyên gia, cũng như nhà đầu tư, bởi nó hoàn toàn phớt lờ đà tăng trưởng tích cực của nền kinh tế. Năm 2019, tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến sẽ ở mức 2,6%, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng 8,3%. Ðây là những con số rất tích cực, được đánh giá sẽ tạo động lực để các thị trường tài chính, chứng khoán tăng trưởng.
“Thị trường đang bắt đầu chiết khấu khả năng suy thoái kinh tế, dù các dự báo và số liệu được đưa ra theo hướng ngược lại. Từ bây giờ, chúng ta sẽ chứng kiến thị trường tự tạo nên những trang sử chưa từng được viết”, Jeff Carbone, giám đốc Cornerstone Wealth nhận định.
Trong bối cảnh giới đầu tư trở nên hoang mang hơn vì diễn biến khó lường của thị trường, các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg nhận định, hiện tại, có 2 rủi ro lớn tồn tại. Thứ nhất, thị trường đang phản ứng lại trước điều mà các nhà kinh tế chưa hề nhận ra và nếu vậy, cần chuẩn bị tâm lý cho điều tệ hơn sắp đến.
Thứ hai, diễn biến này xuất phát từ vấn đề tâm lý của giới đầu tư, tác động tiêu cực tới thị trường, rồi từ đó lại lan tỏa tới sự tự tin của doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng. Vòng tròn lặp bất tận này có khả năng sẽ tiếp tục nhấn chìm các thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian tới.
“Ðây là vấn đề tâm lý thị trường và hiện tại đang diễn biến theo chiều hướng tự biến chuyển khó lường. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp không còn muốn chi tiêu vì sợ chuẩn bị bước vào khủng hoảng, từ đó kéo nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nhìn chung, đây là thời điểm mà ý chí chủ quan của đám đông đang dần biến thành sự thực”, Laurence Benedict, người sáng lập Opportunistic Trader nhận định.