Chứng khoán bay cao ngày Vía Thần tài, cổ phiếu VIC tím lịm

Chứng khoán bay cao ngày Vía Thần tài, cổ phiếu VIC tím lịm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái với diễn biến có phần kém sôi động hơn trên thị trường vàng trong ngày Vía Thần tài so với các năm trước, thị trường chứng khoán đã có phiên giao dịch bùng nổ với đà tăng mạnh về giá và thanh khoản.

Phiên giao dịch sáng 19/2 dù không được như kỳ vọng khi VN-Index dần hạ độ cao về cuối phiên với diễn biến thị trường chung xanh vỏ đỏ lòng, nhưng sự sôi động của dòng tiền là động lực chính để nhà đầu tư kỳ vọng vào xu hướng khởi sắc sẽ còn tiếp diễn.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu tiếp tục nhập cuộc mạnh mẽ đã giúp sắc xanh lan rộng hơn trên thị trường, đặc biệt là đà tăng tốc của nhiều mã bluechip với điểm nhấn vẫn là bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup.

Nếu trong phiên sáng VN-Index chưa thể “với tay” chạm mốc 1.220 điểm và quay đầu hạ nhiệt về cuối phiên do áp lực bán lan rộng, thì sau hơn 30 phút mở cửa phiên giao dịch chiều, vùng giá này đã nhanh chóng được phá bỏ. Chỉ số chung vẫn từng bước đi lên và chinh phục vùng giá cao nhất trong ngày khi các mã Vingroup đua nhau khoe sắc tím.

Bên cạnh diễn biến tăng mạnh của chỉ số chung và xác nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp, thanh khoản thị trường tăng vọt, đạt mức cao nhất trong hơn 1 tháng, kể từ phiên 4/1, với giá trị giao dịch gần tỷ USD, khối lượng giao dịch cũng ấn tượng với hơn 1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công riêng trên sàn HOSE..

Đóng cửa, sàn HOSE có 298 mã tăng và 217 mã giảm, VN-Index tăng 15,27 điểm (+1,26%), lên 1.224,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,05 tỷ đơn vị, giá trị 24.754,3 tỷ đồng, tăng 27,74% về khối lượng và 35,62% về giá trị so với phiên 16/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 71,28 triệu đơn vị, giá trị 1.878,87 tỷ đồng.

Nhóm VN30 là động lực chính của thị trường khi tăng gần 16 điểm lên mức 1.240 điểm, với 21 mã tăng và 9 mã giảm. Trong đó, VIC và VRE đã đóng cửa tại mức giá trần với thanh khoản ấn tượng, lần lượt đạt 16,64 triệu đơn vị và gần 23,9 triệu đơn vị; mã khác trong họ là VHM có thời điểm chạm trần và đóng cửa cũng tăng ấn tượng 6,7% lên sát trần, cùng thanh khoản lên tới hơn 20 triệu đơn vị. Chỉ tính riêng bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup đã đóng góp tới hơn 7 điểm cho chỉ số chung.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng đã nới rộng biên độ tăng hoặc đảo chiều hồi phục ấn tượng như MSN tăng 4,1%, GAS tăng 3,5%, PLX và VNM cùng tăng 2,7%, HPG tăng 2,1%, BID tăng 1,5%...

Ở chiều ngược lại, 9 mã giảm trong rổ bluechip đều chưa tới 1% và tác động không quá 0,2 điểm của chỉ số chung.

Xét về nhóm ngành, bất động sản vẫn là nhóm tăng ấn tượng nhất thị trường nhờ sự dẫn đầu của các cổ phiếu nhà Vingroup. Ngoài ra, một số mã khác cũng đã khởi sắc trở lại như CII, VCG, KBC, NLG, FCN với mức tăng nhẹ.

Nhóm ngân hàng đã lấy lại sắc xanh nhạt nhờ BID, TCB đều tăng hơn 1%, CTG, ACB, SHB tăng nhẹ trên dưới 0,5%, cổ phiếu tăng mạnh nhất vẫn là MSB đạt 2,63%. Trong đó, SHB có giao dịch sôi động nhất dòng bank với 24,13 triệu đơn vị khớp lệnh; MSB tiếp theo khi đạt 23,24 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán le lói sắc xanh nhờ một số mã hồi phục như VDS, TVS, SSI tăng nhẹ trên dưới 0,5%, FTS và BSI tăng tốt hơn đạt gần 2,5%. Cặp đôi VND và SSI có giao dịch lớn nhất trong họ chứng khoán, lần lượt đạt 41,6 triệu đơn vị và 32,83 triệu đơn vị, đóng cửa trái chiều nhau.

Một mã đáng chú ý là cổ phiếu đầu ngành thép – HPG đã có pha đảo chiều ấn tượng. Theo Báo Đầu tư Chứng khoán mới thống kê thì đây là mã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất trong nửa đầu quý I/2024 vừa qua và trong phiên hôm nay tiếp tục được mua ròng 1,6 triệu cổ phiếu. Đóng cửa, HPG tăng 2,1% lên mức 29.200 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong hơn 1 năm qua của cổ phiếu này, đồng thời thanh khoản sôi động nhất thị trường với 42,28 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực cầu sôi động cũng đã giúp thị trường đảo chiều khởi sắc trở lại.

Đóng cửa, sàn HNX có 78 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 0,33 điểm (+0,14%), lên 233,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,2 triệu đơn vị, giá trị 1.567,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,42 triệu đơn vị, giá trị 104,76 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng tích cực khi chỉ còn 7 mã giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm chỉ trên dưới 0,5%, trong khi có tới 14 mã tăng, đáng kể là LAS tăng 4,5%, CAP tăng 3,9%, BCC tăng 3,1%, PLX tăng 2,5%...

Cổ phiếu SHB và CEO đều đóng cửa tại mốc tham chiếu, với thanh khoản dẫn đầu thị trường, lần lượt đạt 14,34 triệu đơn vị và hơn 7 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, NRC đóng cửa vẫn tăng 6%, đứng tại mức giá 5.300 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt 2,84 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dù thị trường biến động rung lắc và liên tục đổi sắc nhưng lực cầu khá mạnh đã giúp UPCoM-Index bật hồi tích cực về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,43%), lên 90,45 điểm với 173 mã tăng và 118 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,8 triệu đơn vị, giá trị 870,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 80,76 triệu đơn vị, giá trị 1.770,18 tỷ đồng, trong đó riêng BHI thỏa thuận 75 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.628 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đã có phiên giao dịch đầy ấn tượng sau thời gian dài đi ngang. Đóng cửa, BSR tăng 5,8% lên mức giá 20.000 đồng/CP, với khối lượng giao dịch lên tới gần 21,85 triệu đơn vị.

Cổ phiếu dầu khí khác là OIL cũng nới rộng biên độ khi đóng cửa tăng 3% lên 10.300 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 1,82 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý khác là BCR tăng 3,3%, HSV tăng 4,9%, DDV tăng 2,8% với khối lượng giao dịch đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2403 đáo hạn gần nhất ngày 21/3 tăng 8,5 điểm (+0,7%), lên 1.240,5 điểm, khớp lệnh hơn 146.800 đơn vị, khối lượng mở 41.050 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CHPG2326 và CVPB2309 có thanh khoản tốt nhất đều đạt hơn 4 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng tăng 12,5% lên 810 đồng/CP và giảm 4% xuống 240 đồng/cq.

Tin bài liên quan