Đóng cửa phiên giao dịch 28/7, chỉ số VN-Index tăng 28,19 điểm, lên 813,36 điểm; chỉ số VN30 tăng 26,24 điểm, lên vùng giá 756,17 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về những mã tăng điểm. Cụ thể, trên sàn HOSE có 360 mã tăng (trong đó 46 mã trần), 27 mã tham chiếu và chỉ có 49 mã đỏ.
Mặc dù thị trường không đón nhận thông tin tích cực cụ thể nào, các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục công bố. Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh quan sát diễn biến và hành động của Chính phủ khi thực hiện việc giãn cách xã hội với Đà Nẵng, cũng như nhanh chóng cử bác sĩ tại các bệnh viên lớn tăng cường cho Đà Nẵng đã tạo cho người dân cảm giác yên tâm và phản ứng nhanh của Việt Nam.
Bên cạnh yếu tố phản ứng nhanh với dịch bệnh, cũng như việc sống chung với dịch bệnh là hiện hữu ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhà đầu tư dần thích nghi với một điểm cân bằng mới, chấp nhập dịch sẽ còn kéo dài như các quốc gia lớn trên thế giới.
Diễn biến giao dịch của khối ngoại trên HOSE.
Bên cạnh đó, mặc dù thị trường xuất hiện hai phiên bán mạnh ngày 24/7 và 27/7, nhưng nhà đầu tư ngoại lại có dấu hiệu quay trở lại mua ròng, điều này trái ngược hoàn toàn với các giai đoạn trước đó duy trì bán ròng từ khi có dịch.
Cụ thể, trên sàn HOSE khối ngoại mua ròng 248,5 tỷ đồng phiên 24/7; 317,9 tỷ đồng phiên 27/7; 193,5 tỷ đồng phiên 28/7.
Trong 3 phiên mua ròng gần đây, khối ngoại tập trung mua mạnh VRE là 129,8 tỷ đồng, VCB là 251 tỷ đồng, FUESSVFL là 100,9 tỷ đồng, VHM là 98,6 tỷ đồng, POW là 43,9 tỷ đồng … Ở chiều ngược lại, họ bán ra VNM là 164,9 tỷ đồng, DXG là 53,1 tỷ đồng, GAS là 37,3 tỷ đồng, CII là 25,7 tỷ đồng, NVL là 25,6 tỷ đồng …
Thị trường hồi phục mạnh chủ yếu do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, áp lực điều chỉnh mạnh trên diện rộng với mức giảm điểm chủa chỉ số VN-Index lên tới 71,58 điểm, tương ứng gần 8,4%. Việc chỉ số giảm quá mạnh trong 2 phiên giao dịch đẩy chỉ số rơi khỏi các điểm hỗ trợ quan trọng, nên việc kiểm định lại vùng hỗ trợ là điều có thể xảy ra sau những phiên giảm điểm mạnh.
Thứ hai, đà mua ròng của nước ngoài trong 3 phiên biến động mạnh là yếu tố góp phần củng cố tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư trong nước, từ đó giúp nhà đầu tư bình tĩnh trở lại.
Thứ ba, các thị trường chứng khoán lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Á mặc dù công bố ca nhiễm mới vẫn giao dịch tương đối ổn định, điều này cũng gián tiếp cũng cố thêm tâm lý cho nhà đầu tư trong nước sau khi chứng kiến 2 phiên hoảng loạn.
Chính ba yếu tố này thôi thúc nhịp hồi phục trong ngắn hạn của chỉ số và thị trường trong phiên 28/7, cũng như những phiên giao dịch sắp tới.
Diễn biến chỉ số VN-Index
Sau khi thị trường bị bán mạnh hai phiên, chỉ số VN-Index chạm vùng quá bán với RSI dưới 30, không những chỉ số, mà rất nhiều cổ phiếu trụ cũng có dấu hiệu về vùng quá bán. Chính vì vậy, trong ngắn hạn thị trường giảm mạnh đã thôi thúc dòng tiền bắt đáy từ nhà đầu tư ra sớm, điều này giúp thị trường có một phiên hồi phục.
Tuy nhiên, mức hồi phục mạnh trong phiên 28/7 đã thúc đẩy chỉ số về ngay lại vùng MA100 là vùng 813 điểm, cũng như xa hơn là vùng kháng cự 830 điểm, vùng giá mà chỉ số liên tục đi ngang một thời gian trước khi bị phá vỡ.
Chính vì vậy, việc hồi phục nhanh sẽ tạo cho nhà đầu tư những rủi ro nhất định. Đặc biệt, trong đó việc hồi phục quá nhanh lên vùng kháng cự sẽ gây áp lực nhà đầu tư bán hàng ra.
Nhìn về giai đoạn tháng 8 là thời điểm thị trương bước vào vùng trũng thông tin, khi hầu hết các thông tin quan trọng của doanh nghiệp đều ra trong giai đoạn tháng 5 và tháng 6, nhà đầu chỉ còn có thể kỳ vọng qua câu chuyện cổ tức riêng biệt. Chính vì vậy, thị trường sẽ thiếu động lực tăng mạnh trở lại mà thay vào đó là hồi phục và đi ngang chờ các thông tin dịch bệnh cũng như các doanh nghiệp riêng biệt hơn là câu chuyện lên đồng đều.