Ảnh Internet

Ảnh Internet

Chứng khoán bắt lại nhịp với GDP

(ĐTCK) Chốt quý I/2019, VN-Index tăng 9,88% so với đầu năm, từ 892 điểm lên 980 điểm. 

VN-Index tăng điểm trong bối cảnh nền kinh tế quý I giữ vững đà tăng trưởng (GDP quý I tăng 6,79% so với cùng kỳ 2018) cho thấy sự đồng điệu đã trở lại, chứ không còn lạc nhịp như quý cuối năm 2018 vừa qua.

Trong đà tăng trưởng chung của nền kinh tế, hàng loạt nhóm ngành được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2019 như bán lẻ tiêu dùng, cảng biển (tăng trên 30%); dệt may, chứng khoán, ngân hàng (tăng khoảng 20%)…

Cơ hội đầu tư cũng được nhiều công ty chứng khoán chỉ rõ trong các báo cáo khuyến nghị giao dịch. Nhà đầu tư không khó để tiếp cận với các báo cáo này, nhưng chọn lựa đầu tư vào đâu để đón được xu hướng tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế lại phụ thuộc vào khả năng ra quyết định và may mắn của từng chủ thể.

Trong lòng thị trường, hàng loạt doanh nghiệp niêm yết đang tiến hành đại hội đồng cổ đông, bàn tính đến những phương án tăng trưởng mới. Năm nay, mùa đại hội diễn ra vui hơn mọi năm khi thông tin chủ đạo là về khối doanh nghiệp trụ cột đặt khát vọng bứt phá, tăng vốn, chuyển sàn, chứ không có nhiều câu chuyện về các doanh nghiệp yếu kém, bung vỡ những vấn đề nội bộ hay bên bờ phá sản. Dù mùa đại hội mới chỉ bắt đầu, nhưng tâm lý nhà đầu tư lạc quan thể hiện trong giá trị giao dịch: thanh khoản ổn định theo chiều hướng tăng cho thấy, dòng tiền đang chảy vững vào chứng khoán.

Trong sự lạc quan chung của nhà đầu tư, điểm đáng lo ngại là các doanh nghiệp, dù lớn, cũng không dễ dàng huy động vốn bằng cổ phiếu để bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu. Ðể tìm nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng 2019, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã chọn cách gọi vốn bằng trái phiếu với vùng lãi suất 9 - 15%/năm.

Làm cách nào để tạo ra lợi nhuận, tạo ra tăng trưởng trên nền giá vốn cao như vậy đang là những áp lực âm thầm, thấm vào vai nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Ðây là một thực tế khắc nghiệt với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi so sánh với mặt bằng lãi suất chỉ 1 - 2%/năm ở các thị trường lân cận như Hàn Quốc, Ðài Loan, Nhật Bản hiện nay.

Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho biết, nếu năm 2016, tăng trưởng lợi nhuận của 72 doanh nghiệp niêm yết lớn là 28% thì năm 2017 là 25% và năm 2018 là 16%. Năm 2019, trong một kịch bản lạc quan, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết lớn dự kiến sẽ tương đương năm 2018.

Nếu như chi phí vốn của doanh nghiệp được kiểm soát tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, ở mặt bằng chi phí vốn hiện tại, lợi nhuận tăng trưởng cao hơn năm 2018 là một bài toán hóc búa với mỗi doanh nghiệp cũng như với toàn thị trường.

Dù còn nhiều thách thức trong 3 quý tiếp theo, nhưng quý I, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán đã khép lại với những con số lạc quan. Sang quý II, động lực cho niềm tin thị trường không chỉ ở sự nỗ lực kinh doanh của các doanh nghiệp, mà còn kỳ vọng có những diễn biến mới về chính sách khi các bộ, ngành liên quan thống nhất được quan điểm trong việc thu hút vốn ngoại, đặc biệt là ứng xử về room trong Luật Chứng khoán.

Việc nâng hạng còn cần nhiều thời gian, nhưng nếu ý tưởng của Ban soạn thảo Luật rằng, các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ đều phải nới room (không trao quyền quyết định cho doanh nghiệp như hiện nay) thì đây sẽ là chủ điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và có thể sẽ góp sức cho tăng trưởng của thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế.

Tin bài liên quan