Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tích cực trong 9 tháng đầu năm 2021, cho dù lợi nhuận quý III giảm mạnh. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tích cực trong 9 tháng đầu năm 2021, cho dù lợi nhuận quý III giảm mạnh. Ảnh: Dũng Minh

Chứng khoán, bảo hiểm “đỡ” lợi nhuận ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận nhiều ngân hàng “ngấm” Covid nên không tránh khỏi sụt giảm trong quý III/2021, nhưng lũy kế 9 tháng vẫn đạt kế hoạch đề ra nhờ giảm dự phòng rủi ro và lãi lớn từ kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm...

Lãi kinh doanh chứng khoán tăng, trích lập giảm

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 vừa công bố cho thấy, thu nhập lãi thuần từ hoạt động chính của Eximbank (mã EIB) giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, về mức hơn 737 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh như lãi từ dịch vụ giảm 25%, chỉ ghi nhận hơn 77 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối (vốn được xem là thế mạnh của Eximbank) giảm đến 40%, chỉ còn 68 tỷ đồng. Lãi thuần từ các hoạt động khác cũng giảm 29% so cùng kỳ, chỉ ghi nhận gần 21 tỷ đồng...

Tuy nhiên, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của Eximbank lại khởi sắc trong quý III/2021 khi tăng đến 521% so với cùng kỳ năm 2020, thu về khoản lãi hơn 43 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ là 7 tỷ đồng).

Trong quý III/2021, Eximbank đã trích lập dự phòng tăng 31% so với cùng kỳ, lên mức 61 tỷ đồng, nên chỉ ghi nhận 412 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Eximbank báo lãi trước thuế giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, về mức hơn 966 tỷ đồng.

Trong văn giải trình gửi các cơ quan quản lý về việc lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất quý III/2021 giảm mạnh, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội kéo dài ở các địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại thị trường trọng điểm TP.HCM, dẫn tới các khoản thu nhập đóng góp chủ yếu vào kết quả kinh doanh của Eximbank đều giảm.

Tương tự, VietABank (mã VAB) có quý III/2021 kinh doanh ảm đạm khi hầu hết hoạt động đều tăng trưởng âm. Trong đó, nguồn thu từ hoạt động chính giảm tới 37% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ mang lại hơn 351 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Các nguồn thu ngoài lãi của VietABank trong kỳ cũng không mấy khả quan, trong đó nhiều chỉ tiêu giảm mạnh lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 79%, lãi từ hoạt động khác giảm 60%.

Tuy nhiên, trong bức tranh kinh doanh quý III/2021 của VietABank cũng có những điểm sáng khi một số hoạt động chuyển từ lỗ sang lãi như hoạt động dịch vụ đạt hơn 4,3 tỷ đồng, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 16,63 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước ghi nhận lỗ), hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu về khoản lãi hơn 30 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ lãi gần 6 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietABank giảm đến 71%, chỉ còn trích lập 140 tỷ đồng, đây là yếu tố chính giúp ngân hàng này thu về 126 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý III/2021, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, VietABank báo lãi trước thuế gấp 3 lần cùng kỳ 2020, đạt hơn 522 tỷ đồng cũng nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 67%, chỉ còn trích lập 225 tỷ đồng, bất chấp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 12% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 747 tỷ đồng.

Đa sắc bức tranh nợ xấu

Kết quả kinh doanh quý III/2021 của PGBank (mã PGB) cho thấy sự sa sút, trong đó nguồn thu chính lãi thuần giảm 18%, xuống còn 203 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi sụt giảm mạnh như lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 35%, lãi từ hoạt động khác giảm 57%.

Tuy nhiên, do PGBank không trích dự phòng rủi ro tín dụng, còn được hoàn nhập hơn 1,7 tỷ đồng, nên ngân hàng này báo lãi trước thuế 97 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, PGBank báo lãi trước thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt 272 tỷ đồng.

Không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tác động tích cực lên lợi nhuận, nhưng lại làm nợ xấu của PGBank trở nên xấu hơn khi tính đến ngày 30/09/2021, con số này đã tăng 13% so với đầu năm, lên mức 708 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,44% hồi đầu năm lên 2,75% vào cuối tháng 9/2021.

Tại VietBank (mã VBB), kết thúc quý III/2021, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020, về mức hơn 68 tỷ đồng, do chi phí dự phòng tăng và kinh doanh ngoại hối giảm 18%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietBank ghi nhận 395 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Về nợ xấu, con số này tại VietBank đã tăng thêm 40% trong quý III/2021 và tăng gần 60% so với đầu năm, lên mức 1.243 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) lần lượt tăng mạnh 275% và 159% trong 9 tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 9% lên 653 tỷ đồng.

Việc nợ xấu tăng mạnh, trong khi tổng quy mô dư nợ cho vay tăng thấp hơn, chỉ đạt 4,8% đã khiến tỷ lệ nợ xấu VietBank tăng đáng kể. Tính đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tại ngân hàng này là 2,65% - cao hơn mức 1,75% hồi đầu năm.

Với MBBank (mã MBB), sau khi giảm mạnh trong 2 quý đầu năm, nợ xấu đã tăng trở lại trong quý III/2021 và tại thời điểm 30/9/2021, nợ xấu của ngân hàng này ở mức 3.186 tỷ đồng, tăng 26% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4 lần lượt tăng 51,3% và 37,2%.

Tuy nhiên, nhờ diễn biến tích cực 2 quý trước đó, nợ xấu lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 của MBBank vẫn thấp hơn 1,9% so với con số của cùng kỳ năm trước. Đồng thời, nhờ tổng dư nợ cho vay tăng mạnh 12,8% nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm từ 1,09% hồi đầu năm xuống mức 0,95% vào cuối tháng 9/2021.

VietinBank ghi nhận nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh hơn 41% xuống còn 3.543 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021. Tuy nhiên, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) lại tăng vọt lên 11.631 tỷ đồng, gấp 7,2 lần con số đầu năm; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) cũng tăng hơn 57% lên 2.923 tỷ đồng.

Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của VietinBank chỉ tăng 6,8% lên gần 1,085 triệu tỷ đồng, điều này khiến tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ mức 0,94% thời điểm đầu năm lên mức 1,67% tính đến cuối quý III/22021. Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ 131,9% xuống còn 118,6%; cho dù đã nâng dự phòng rủi ro thêm gần 71% lên 21.464 tỷ đồng.

Chủ tịch VietinBank Trần Bình Minh cho biết, Ngân hàng dự kiến trích lập 17.000 tỷ đồng dự phòng trong năm nay, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 169%; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,4%. Theo ông Minh, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng Ngân hàng sẽ cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra từ đầu năm.

Trong quý III/2021, nợ xấu đã giảm tại một số ngân hàng, nhưng các ngân hàng này vẫn tăng trích lập dự phòng nhằm tăng “bộ đệm” chống rủi ro. Đơn cử, tại Eximbank, chất lượng nợ đã được cải thiện sau 9 tháng đầu năm, khi tính đến ngày 30/9/2021, tổng nợ xấu ở mức 2.299 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Cơ cấu nợ xấu dịch chuyển từ nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn phải trích lập 100%) sang nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn). Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm từ mức 2,52% hồi đầu năm xuống còn 2,18% vào cuối tháng 9/2021. Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ cho biết, chủ trương của Eximbank là kiểm soát nợ xấu và tăng trích dự phòng rủi ro, Ngân hàng đã “xóa” sạch nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nên không phải trích lập dự phòng cho khoản này.

Đánh giá nợ xấu của các ngân hàng, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch đã gây khó khăn cho cả ngân hàng và các khách hàng vay vốn, vì thế nợ xấu ngân hàng tăng là điều khó có thể tránh khỏi và khả năng nợ xấu sẽ khó giảm trong quý IV này.

“Hiện tại, nhiều doanh nghiệp không còn đáp ứng được điều kiện vay, không còn hạn mức để vay thêm vốn được nữa, nhưng nếu có phương án kinh doanh hiệu quả thì cần được tạo điều kiện cho họ thông qua một gói kích cầu hỗ trợ, bởi khi được vay thêm thì doanh nghiệp có thêm trợ lực để phục hồi sản xuất - kinh doanh, từ đó mới có dòng tiền để trả nợ cũ. Nói cách khác, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, ngân hàng muốn thu hồi được nợ thì cần phải ‘nuôi’ con nợ”.

Tin bài liên quan