Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt dốc 2,52% do các nhóm cổ phiếu “nặng ký” đều đi xuống. Ảnh: AFP.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt dốc 2,52% do các nhóm cổ phiếu “nặng ký” đều đi xuống. Ảnh: AFP.

Chứng khoán Australia lao dốc, cổ phiếu ANZ rớt mạnh nhất nhóm “đại gia” ngân hàng

Chứng khoán Australia dẫn đầu làn sóng giảm điểm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phiên chiều nay 26/2 khi nhà đầu tư bán tháo do lo ngại dịch Covid-19 lan rộng bên ngoài Trung Quốc.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt dốc 2,52% do các nhóm cổ phiếu “nặng ký” đều đi xuống.

Chỉ số riêng biệt tài chính mất điểm hơn 2% khi cổ phiếu nhóm 4 “đại gia” ngân hàng của Australia lao dốc. Cổ phiếu của ANZ giảm sâu nhất với mức 2,9%, theo sau là cổ phiếu Ngân hàng Quốc gia Australia (trượt 2,54%), Westpac (1,89%), ngân hàng Commonwealth (1,79%).

Giới phân tích nhận định chứng khoán Australia chìm sâu sau công bố số liệu của Cơ quan Thống kê Australia (ABS) cho thấy giá trị các công trình xây dựng trong quý IV/2019 tại nước này giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 sụt giảm 1,2% trong giao dịch chiều nay sau cú giảm hơn 3% trong phiên sáng, còn chỉ số Topix cũng mất 1,04%.

Tại Hàn Quốc, dịch Covid-19 tiếp tục đè nặng tâm lý nhà đầu tư, với chỉ số Kospi giảm 1,67% còn chỉ số Kosdaq trượt nhẹ hơn với 1,46%.

Chứng khoán Hong Kong chiều nay giảm 0,49% khi đặc khu này công bố kế hoạch ngân sách với gói giải pháp 120 tỷ đô la Hong Kong (xấp xỉ 15,4 tỷ USD) trong bối cảnh nền kinh tế Hong Kong bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 và biểu tình chống chính quyền kéo dài nhiều tháng qua.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục chiều nay ghi nhận những diễn biến đối lập nhau. Trong khi chỉ số Shanghai Composite hồi phục và tăng nhẹ 0,3% thì Shenzhen Composite vẫn giảm 0,785%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,98%.

Nhà đầu tư tiếp tục dõi theo các diễn biến về dịch Covid-19 bên ngoài Trung Quốc khi một quan chức y tế Mỹ cảnh báo dịch Covid-19 có nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu khi số ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc tăng đột biến.

Chính quyền Hàn Quốc đã xác nhận hơn 900 ca nhiễm Covid-19 trong khi Italy trở thành quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh với hơn 200 ca nhiễm virus. Iran cũng xác nhận ít nhất 12 trường hợp tử vong do virus này.

Chứng khoán Mỹ đêm qua tiếp tục ghi nhận phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp sau cú trượt sâu nhất lịch sử trong phiên trước đó.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên ghi nhận mức sụt giảm liên tiếp trên 800 điểm khi đêm qua tiếp tục “bay” thêm 879,44 điểm và đóng cửa với 27.081,36 điểm.

Chỉ số S&P 500 mất 3% và kết thúc ngày giao dịch với 3.128,21 điểm còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,8% và chốt phiên ở mức 8.965,61 điểm.

Biến động trượt dốc trên phố Wall diễn ra sau khi bà Nancy Messonnier, lãnh đạo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ cảnh báo người dân Mỹ nên chuẩn bị tinh thần dịch Covid-19 tại Mỹ có thể xấu đi.

Diễn biến trên thị trường trái phiếu Mỹ cũng khiến nhà đầu tư hoảng sợ khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt thảm còn 1,3671% còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng giảm kỷ lục.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mức 99,3 thiết lập hôm qua về 99,115. Đồng yên Nhật Bản tiếp tục mất giá và quy đổi 110,21 JPY/USD, còn đô la Australia cũng suy yếu còn 1 AUD/0,6595 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay khởi sắc với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn quốc tế nhích 0,38% lên 55,16 USD/thùng, còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ lên giá 0,6% đạt 50,20 USD/thùng.

Tin bài liên quan