S&P 500 cán mốc 2.000 điểm trong phiên 26/8, nhưng rất mong manh - Ảnh: Reuters

S&P 500 cán mốc 2.000 điểm trong phiên 26/8, nhưng rất mong manh - Ảnh: Reuters

Chứng khoán Âu, Mỹ vừa tiến vừa nhìn Putin

(ĐTCK) Tiếp tục tăng điểm nhờ dữ liệu kinh tế và kỳ vọng ECB có gói kích thích kinh tế, nhưng giới đầu tư Âu, Mỹ vẫn khá dè dặt và dõi mắt theo cuộc gặp sắp tới giữa ông Putin và ông Poroshenko.

Thị trường chứng khoán Mỹ bước vào phiên giao dịch thứ Ba với thông tin vĩ mô tích cực hỗ trợ. Theo công bố của Conference Board, niềm tin tiêu dùng Mỹ tăng hơn dự kiến ​​trong tháng 8, leo lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo, đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền Mỹ tăng 22,6% trong tháng 7, mức cao nhất được ghi nhận. Dù vậy, dữ liệu này có phần bị không thật chính xác do nhu cầu mạnh mẽ về máy bay của quốc tế, một yếu tố chỉ có tính đột biến.

Mặc dù đơn đặt hàng lâu bền có phần bị lệch do nhu cầu máy bay, nhưng nó cũng cho thấy triển vọng của nền kinh tế Mỹ là rất khả quan và do đó tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Sau khi không thể giữ được mốc 2.000 điểm một cách đáng tiếc trong phiên đầu tuần, S&P 500 với sự hỗ trợ của thông tin tích cực đã chính thức cán mốc điểm này lần đầu tiên trong lịch sử trong phiên thứ Ba, dù rất chông chênh.

Không chỉ S&P 500, 2 chỉ số chính khác của phố Wall là Dow Jones và Nasdaq cũng đều có phiên tăng điểm. Đây là phiên tăng thứ 10 trong 13 phiên gần đây của Dow Jones và S&P 500, trong khi là phiên tăng thứ 11 của Nasdaq.

Mặc dù có chuỗi tăng điểm kéo dài, nhưng đà tăng của phố Wall rất khiêm tốn khi nhà đầu tư vẫn còn nhiều mối lo khác. Trong đó, tác động mạnh nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý nhà đầu tư là cuộc khủng hoảng Ukraine và mâu thuẫn Đông - Tây. Tình hình Ukraine vẫn cho có lối thoát. Các cuộc đàm phán 4 bên để tìm giải pháp giảm căng thẳng và xung đột giữa Chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga ở miền Đông vẫn cho có kết quả và dường như phe ly khai không muốn kết thúc giao tranh.

Những hành động gần đây của quân ly khai như muốn cuộc chiến kéo dài và lôi kéo cả quân đội nước ngoài và cuộc xung đột Ukraine và nếu điều này xảy ra,tình hình sẽ rất nguy hiểm cho chứng khoán thế giới.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Dow Jones tăng 29,83 điểm (+0,17%), lên 17.106,70 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,10 điểm (+0,11%), lên 2.000,02 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 13,29 điểm (+0,29%), lên 4.570,64 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên tăng điểm và ghi nhận mức tăng 2 ngày lớn nhất kể từ hơn 1 năm qua khi giới đầu tư đặt cược vào khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đưa ra chương trình mua tài sản tại cuộc họp Hội đồng quản trị vào tuần tới.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang hướng về cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để tìm một thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Ukraine và quân ly khai thân Nga ở miền Đông.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 47,51 điểm (+0,70%), lên 6.822,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 78,01 điểm (+0,82%), lên 9.588,15 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 51,30 điểm (+1,18%), lên 4.393,41 điểm.

Trong khi chứng khoán Âu, Mỹ tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 2 trong tuần, thì chứng khoán châu Á điều chỉnh giảm. Chứng khoán Nhật Bản chịu áp lực chốt lời ngắn hạn sau chuỗi tăng ấn tượng vừa qua và đà giảm giá của đồng yên cũng đã chững lại. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc vẫn chịu tác động tiêu cực với dữ liệu PMI được công bố trước đó.

Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 92,03 điểm (-0,59%), xuống 15.521,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 92,41 điểm (-0,37%), xuống 25.074,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 22,17 điểm (-0,99%), xuống 2.207,11 điểm.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng vọt lên trên mốc 1.290 USD/ounce trong phiên giao dịch châu Á và đi ngang sát dưới mốc này trong suốt thời gian giao dịch châu Âu và bước vào đầu phiên giao dịch Mỹ. Tuy nhiên, sau đó, khi dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực được công bố, giá vàng đã dần dần hạ dốc và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, chỉ còn duy trì đà tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 26/8, giá vàng giao ngay tăng 4,4 USD (+0,35%), lên 1.280,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 6,3 USD (+0,49%), lên 1.285,2 USD/ounce.

Trong khi đó, sự trái chiều tiếp tục diễn ra trên thị trường dầu thô, tuy nhiên, vị thế đã được thay đổi. Trong khi giá dầu thô Mỹ hồi trở lại, thì giá dầu Brent lại giảm giá chỉ sau 1 phiên tăng.

Kết thúc phiên 26/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,51 USD (+0,54%), lên 93,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,15 USD (-0,15%), xuống 102,50 USD/thùng.

Tin bài liên quan