Phố Wall có phiên giao dịch đầy biến động - Ảnh: Reuters

Phố Wall có phiên giao dịch đầy biến động - Ảnh: Reuters

Chứng khoán Âu, Mỹ ngược dòng sau phát biểu của Draghi

(ĐTCK) Phát biểu của Chủ tịch ECB Mario Draghi về khả năng ECB sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế nếu cần thiết đã giúp chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt quay đầu tăng điểm.

Dow Jones và S&P 500 đóng cửa ở mức kỷ lục mới trong phiên giao dịch đầy biến động hôm thứ Năm. Các chỉ số dao động dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch khi bị ảnh hưởng bởi các cổ phiếu lớn. Trong đó, Qualcomm Inc giảm 8,6% sau thông tin một cuộc điều tra chống độc quyền và các vấn đề thu tiền bản quyền tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh vào năm sau của hãng này.

Trong khi Genworth Financial giảm tới 38,5%, mức giảm mạnh nhất trong ngày của cổ phiếu này kể từ tháng 11/2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra. Cổ phiếu này giảm sau khi Giám đốc điều hành của hãng cho biết kết quả đáng thất vọng của bộ phân bảo hiểm nhân thọ tại Mỹ.

Tuy nhiên, phố Wall đã được hỗ trợ kịp thời để tránh khỏi phiên giảm điểm. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong bài phát biểu ngày 6/11 cho biết, ECB sẽ có các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung nếu cần thiết và Hội đồng quản trị ECB đã thống nhất được cam kết sử dụng các biện pháp độc đáo để hỗ trợ kinh tế khu vực.

Nhờ thông tin này, các chỉ số chính của phố Wall quay đầu tăng điểm, trong đó, Dow Jones và S&P 500 đóng cửa với mức cao kỷ lục mới.

Kết thúc phiên 6/11, chỉ số Dow Jones tăng 69,94 điểm (+0,40%), lên 17.554,47 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,64 điểm (+0,38%), lên 2.031,21 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,75 điểm (+0,38%), lên 4.638,47 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng dao động với sắc đỏ trong 2/3 thời gian của phiên giao dịch trước khi quay đầu tăng mạnh nửa cuối phiên chiều sau bình luận của Chủ tịch ECB Mario Draghi. Những phát biểu của Draghi giống như khẳng định gói kích thích kinh tế QE đã ở trên bàn và có thể được thông qua bất kỳ lúc nào nếu cần thiết.

Kết thúc phiên 6/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 12,01 điểm (+0,18%), lên 6.551,15 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 61,93 điểm (+0,66%), lên 9.377,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 19,26 điểm (+0,46%), lên 4.227,68 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, đúng như nhận định của giới đầu tư, áp lực chốt lời đã diễn ra sau khi chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trong thời gian ngắn. Áp lực chốt lời khiến Nikkei 225 quay đầu giảm điểm trong phiên chiều. Trong khi chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm điểm do ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh không như mọng đợi của các doanh nghiệp niêm yết.

Kết thúc phiên 6/11, chỉ số Nikkei 225 giảm 144,84 điểm (-0,86%), xuống 16.792,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 46,31 điểm (-0,20%), xuống 23.649,31 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 6,61 điểm (+0,27), lên 2.425,86 điểm.

Giá vàng đi ngang trong suốt phiên giao dịch ngày 6/11 và kết thúc sát với mức đóng cửa của phiên trước. Sau phiên bán tháo mạnh hôm thứ Tư, giới đầu tư trên thị trường vàng thận trọng chờ đợi bài phát biểu của Draghi. Sau bài phát biểu này, đồng euro giảm xuống mức thấp nhất 2 năm và nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên giá vàng.

Kết thúc phiên 6/11, giá vàng giao ngay tăng 1,3 USD (+0,11%), lên 1.141,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 3,1 USD (-0,27%), xuống 1.142,6 USD/ounce.

Trong khi đó, sức mạnh của đồng USD tiếp tục gây sức ép lên giá dầu. Sau phiên phục hồi hôm thứ Năm sau thông tin về đường ống dẫn dầu ở Ả Rập Saudi và dự trữ của Mỹ tăng thấp hơn dự đoán, giá dầu đã nhanh chóng giảm trở lại.

Kết thúc phiên 6/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,65 USD (-0,83%), xuống 78,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,13 USD (-0,16%), xuống 82,82 USD/thùng.

Tin bài liên quan