Theo dữ liệu vừa công bố hôm thứ Hai, hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 10 xuống mức thấp nhất 2 năm rưỡi, nhưng số đơn đặt hàng hàng mới lại gia tăng trong tháng. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ giảm xuống mức 50,1 trong tháng 10 từ mức 50,2 trong tháng 9.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Đức vượt dự báo và của Trung và Đông Âu đã trở lại tốc độ mạnh mẽ trong tháng 10. Trong đó, PMI của khu vực tăng lên mức 52,3 từ mức 52 của tháng trước
Dữ liệu vừa công bố khiến giới đầu tư kỳ vọng khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 giảm xuống.
Trong bối cảnh mùa kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ đã được dự báo kém khả quan, thì nhà đầu tư lại trông đợi vào các dữ liệu kinh tế. Với các dữ liệu vừa công bố, phố Wall đã có phiên mở đầu tháng mới đầy tích cực, chỉ số S&P 500 đã vượt quan mốc 2.100 điểm, chỉ còn cách đỉnh cao nhất mọi thời đại 2.130,82 điểm được xác lập hồi tháng 5/2015. Kể từ mức đáy của năm hồi tháng 8, S&P 500 đã tăng gần 13%.
Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Dow Jones tăng 165,22 điểm (+0,94%), lên 17.828,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 24,69 điểm (+1,19%), lên 2.104,05 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 73,4 điểm (+1,45%), lên 5.127,15 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dù mở cửa trong sắc đỏ, nhưng sau khi dữ liệu PMI được công bố với những con số tích cực trên cả khu vực, chứng khoán châu Âu đã phục hồi trở lại.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đặt kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khi Chủ tịch Mario Draghi phát biểu cuối tuần trước rằng, đã sẵn sàng làm những gì cần thiết để giữ mức lạm phát trung đúng mục tiêu theo đuổi. Lạm phát khu vực đồng euro đã về mức bằng 0, theo số liệu công bố trước đó.
Kết thúc phiên 2/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 0,71 điểm (+0,01%), lên 6.361,80 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 100,53 điểm (+0,93%), lên 10.950,67 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 18,55 điểm (+0,38%), lên 4.916,21 điểm.
Trong khi dữ liệu PMI giúp chứng khoán châu Âu và Mỹ tăng mạnh mẽ đầu tuần, thì lại làm chứng khoán châu Á chao đảo. Chỉ số PMI tháng 10 của Trung Quốc tăng lên mức 48,3 trong tháng 10, từ mức 47,2 trong tháng 9. Dù là tháng tăng thứ 3 liên tiếp, nhưng vẫn dưới mức 50, cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc vẫn đang suy giảm. Theo một báo cáo khác của Chính phủ Trung Quốc, chỉ số PMI tháng 10 của nước này vẫn duy trì ở mức 49,8 như tháng trước.
Dữ liệu này làm giới đầu tư lo sợ về việc hạ cánh cứng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, bất chấp các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ.
Thêm vào đó, một thông tin khác cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trên TTCK Trung Quốc và Hồng Kông là việc Trung Quốc đã bắt giữ 2 giám đốc điều hành của 2 quỹ Hồng Kông, theo Tân Hoa Xã. Kể từ khi TTCK Trung Quốc sụt giảm từ tháng 6, nhà chức trách đã tăng cường công tác điều tra về các hoạt động lũng đoạn thị trường. Cho đến nay đã có 1 nhà báo, giám đốc điều hành cấp cao công ty môi giới và thậm chí cả những người quản lý thị trường.
Thông tin từ Trung Quốc đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường chứng khoán trong khu vực. Các mã cổ phiếu lớn, nhất là những doanh nghiệp có làm ăn với Trung Quốc niêm yết trên TTCK Nhật Bản đồng loạt giảm mạnh, khiến chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 2%. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng giảm hơn 1% và 1,7%.
Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 399,86 điểm (-2,10%), xuống 18.683,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 270,0 điểm (-1,19%), xuống 22.370.04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 57,48 điểm (-1,7%), xuống 3.325,08 điểm.
Trên thị trường vàng, dù nhận được nhiều thông tin hỗ trợ, nhưng giá vàng vẫn chịu sức ép từ lực bán kỹ thuật, cũng như mối lo về việc Fed tăng lãi suất trong tháng 12, nên tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 4 tuần trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 2/11, giá vàng giao ngay giảm 8,3 USD (-0,73%), xuống 1.133,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,8 USD (-0,51%), xuống 1.135,9 USD/ounce.
Dữ liệu mới về kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng không tốt lên giá dầu thô, bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới. Do đó, ngay khi mở đầu tuần mới, cũng là phiên đầu tiên của tháng 11, giá dầu thô đã đảo chiều giảm trở lại.
Kết thúc phiên 2/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,45 USD/thùng (-0,98%), xuống 46,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,77 USD (-1,58%), xuống 48,79 USD/thùng.