Thông tin về kho dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ sụt giảm mạnh trong tuần trước được công bố hôm thứ Ba tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu thô phục hồi, qua đó giúp nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh.
Trong phiên thứ Tư, chỉ số S&P năng lượng tăng tới 4,24%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2015.
Ngoài sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng, phố Wall có phiên tăng điểm mạnh thứ 3 liên tiếp trong tuần này còn nhờ vào dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ.
Sau dữ liệu GDP quý III tăng 2% sát mức dự báo, chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh, thì dữ liệu mới công bố cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng ổn định. Theo đó, niềm tin người tiêu dùng của Mỹ trong tháng 12 lên mức cao nhất 5 tháng và thu nhập cá nhân có tháng tăng thứ 8 trong tháng 11.
Tuy nhiên, các đơn đặt hàng phi quốc phòng trừ máy bay lại giảm nhẹ trong tháng 12 do đồng USD mạnh và các khách hàng cắt giảm chi tiêu.
Dù tăng mạnh nhưng khối lượng giao dịch trên phố Wall chỉ đạt 6,4 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 20 ngày (7 tỷ cổ phiếu) do tâm lý nghỉ lễ.
Kết thúc phiên 23/12, chỉ số Dow Jones tăng 185,34 điểm (+1,06%), lên 17.602,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,32 điểm (+1,24%), lên 2.064,29 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 44,82 điểm (+0,90%), lên 5.045,93 điểm.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng điểm hôm thứ Tư, thậm chí mức tăng của chứng khoán châu Âu còn mạnh hơn rất nhiều so với phố Wall. Ngoài sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng với sự phục hồi của giá dầu, chứng khoán châu Âu còn nhận được sự hỗ trợ của cổ phiếu nhóm hàng hóa khác khi giá các kim loại nguyên liệu tăng mạnh nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại nguyên liệu lớn nhất thế giới.
Kết thúc phiên 23/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 157,88 điểm (+2,6%), lên 6.240,98 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 238,89 điểm (+2,28%), lên 10.727,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 106,93 điểm (+2,34%), lên 4.674,53 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ lễ, thì sự chú ý được tập trung hơn sang sàn chứng khoán Hồng Kông. Trong phiên thứ Tư, nhờ sự hỗ trợ tâm lý từ sàn chứng khoán Mỹ trong 2 phiên trước đó, chứng khoán Hồng Kông đã có phiên tăng mạnh nhất 2 tuần trong ngày thứ Tư. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại quay đầu giảm điểm sau những nỗ lực duy trì sắc xanh trong các phiên trước đó.
Kết thúc phiên 23/12, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 210,57 điểm (+0,96%), lên 22.040,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,68 điểm (-0,43%), xuống 3.636,09 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.
Việc dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố khả quan trong 2 ngày qua tiếp tục cho chứng khoán tăng mạnh, nhưng lại làm giảm đi sự hấp dẫn của vàng, vốn được coi là kênh đầu tư trú ẩn an toàn mỗi khi có những biến động tiêu cực của kinh tế, chính trị, thiên tai và chiến tranh. Dữ liệu kinh tế của Mỹ tích cực góp phần giúp đồng USD hồi phục trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp cũng gây áp lực lên giá vàng.
Kết thúc phiên 23/12, giá vàng giao ngay giảm 2,1 USD (-0,2%), xuống 1.070,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 5,8 USD (-0,54%), xuống 1.068,3 USD/ounce.
Như thông tin đã đưa trước đó, theo dữ liệu của Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) vừa công bố hôm thứ Ba, kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước so với mức dự đoán tăng 1,1 triệu thùng của giới phân tích. Thông tin này đã giúp giá dầu thô phục hồi trong phiên thứ Ba và phục hồi mạnh trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, hiện cả giá dầu thô Mỹ và dầu thô Brent vẫn đang giao dịch ở mức thấp nhất nhiều năm do nỗi lo dư cung vẫn đang thường trực.
Kết thúc phiên 23/12, giá dầu thô Mỹ tăng 1,36 USD/thùng (+3,76%), lên 37,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,3 USD (+3,6%), lên 37,41 USD/thùng.