Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán ABS cho biết, những yếu tố tác động đến triển vọng thị trường tháng 9 là kinh tế thế giới vẫn chịu tác động tiêu cực từ lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn, dù đã có dấu hiệu giảm tốc nhưng vẫn neo ở mức cao và rủi ro suy thoái kinh tế ở châu Âu. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng và đối mặt với nhiều rủi ro từ thị trường bất động sản, nợ chính quyền địa phương, cũng như việc vốn ngoại đang rút khỏi thị trường,..
Tuy nhiên, vẫn xuất hiện một số yếu tố quốc tế tích cực hỗ trợ kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất, nhu cầu tiêu dùng phục hồi từ quý III/2023 tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Thứ hai, quan hệ Việt - Mỹ được cải thiện nhờ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam ngày 10 - 11/9/2023. Thứ ba, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vẫn tiếp tục. Thứ tư, giá các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có khả năng sản xuất tăng cao trên thị trường thế giới.
Trong nước, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng và năng lượng. Tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đang hồi phục dần qua từng tháng, nhất là cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất khẩu được cải thiện rõ nét trong 4 tháng qua.
Trên thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lớn tiếp tục giảm 0,85%/năm trong tháng 8, tổng cộng đã giảm khoảng 2,38%/năm tính từ tháng 1/2023 và về bằng mức tháng 7/2022 (trước giai đoạn tăng lãi suất). Dự kiến từ quý III/2023 trở đi, chi phí vốn bình quân của ngành ngân hàng sẽ giảm dần (do phần lớn tiền gửi có kỳ hạn 3 - 6 tháng sẽ đáo hạn) và NIM các ngân hàng cải thiện dần.
Ngoài ra, Thông tư 06/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/09/2023 cho phép người dân được vay tiền của ngân hàng khác để trả nợ vay tiêu dùng, mua nhà với điều kiện vay dễ dàng. Điều này dự kiến sẽ trực tiếp giúp giảm chi phí vay cho người mua nhà, qua đó hỗ trợ tăng trưởng tín dụng mua nhà, hỗ trợ thị trường bất động sản và giảm nợ xấu của ngành ngân hàng.
Với triển vọng mặt bằng lãi suất huy động dự kiến tiếp tục giảm thời gian tới, ABS nhận thấy nhà đầu tư nội sẽ có xu hướng dịch chuyển tiền gửi sang các kênh đầu tư khác, trong đó có cổ phiếu, để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại dự kiến sẽ tiếp tục bán ròng, một phần do tác động của tỷ giá, một phần do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến vốn ngoại đang rút ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Về mặt định giá, với việc VN-Index tăng điểm trong suốt 4 tháng vừa qua (bắt đầu từ tháng 5), dựa trên kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết, P/E toàn thị trường đã tăng từ 12,74x cuối tháng 5 lên 14,6x cuối tháng 8. Tuy nhiên, lợi nhuận các doanh nghiệp được kỳ vọng tạo đáy trong quý II/2023 và bắt đầu hồi phục từ quý III/2023, do đó P/E dự phóng của quý tới sẽ giảm đi.
Kháng cự 1 |
1.250 |
Hỗ trợ 1 |
1.195 (+/-5) |
Kháng cự 2 |
1.275 - 1.284 |
Hỗ trợ 2 |
1.150 |
Kháng cự 3 |
1.290 - 1.296 |
Hỗ trợ 3 |
1.120 (+/-) |
Về diễn biến VN-Index, ABS dự báo thanh khoản thị trường duy trì ổn định trên 20.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 9 tới và chỉ số VN-Index tăng tiếp tới các vùng 1.275 - 1.284 - 1.290 điểm.
Trong quá trình đi lên của thị trường, các nhịp điều chỉnh nhanh 20 - 40 điểm là cơ hội mua cổ phiếu, đảo vị thế với nhà đầu tư ngắn hạn.
Từ những phân tích trên, nhóm chuyên gia ABS cho rằng, các cơ hội đầu tư trong tháng 9 là các ngành: hưởng lợi từ mặt bằng lãi suất trong nước tiếp tục giảm; tín dụng tiêu dùng, tín dụng mua nhà được cải thiện; Việt Nam định hướng được nâng hạng lên thị trường mới nổi trước 2025; nhu cầu hàng tiêu dùng thế giới hồi phục từ quý III/2023; tiêu dùng trong nước hồi phục dần và giá dầu, giá phân bón, hóa chất, giá lương thực tăng trên thế giới.
Do đó, Chứng khoán ABS khuyến nghị nhà đầu tư giao dịch với mã cổ phiếu VN30 đang có nền giá gần vùng đáy; cổ phiếu thuộc các ngành: chứng khoán, dầu khí, đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp, lương thực/thực phẩm, bán lẻ, hóa chất, gỗ - đá xuất khẩu…