Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, với sự tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp niêm yết và sắp tới có thêm hàng loạt doanh nghiệp lớn lên niêm yết/đăng ký giao dịch, bên cạnh đó là Nhà nước thoái vốn tại không ít doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, TTCK Việt Nam sẽ ngày thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Bổ sung lượng hàng hóa lớn cho TTCK là các doanh nghiệp cổ phần hóa. Hiện có hơn 400 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa thuộc diện đại chúng nhưng chưa lên sàn. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/12/2016) với có chế tài nghiêm khắc đối với những công ty đại chúng vi phạm thời hạn đưa cổ phiếu lên giao dịch trên TTCK tập trung. Ngoài ra, quy định mới tại Thông tư 115/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ 1/11/2016) gắn hoạt động đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán với đăng ký giao dịch cổ phần của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.
Dự báo, trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2017, sẽ có làn sóng các doanh nghiệp lên niêm yết/đăng ký giao dịch. Giá trị vốn hóa TTCK sẽ tăng hàng chục tỷ USD so với mức 75,61 tỷ USD ngày 15/11/2016, tương đương 37,8% GDP. Quy mô TTCK lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn là một trong các điều kiện xem xét đầu tư của các tổ chức đầu tư nước ngoài.
Các diễn giả trao đổi tại cuộc tọa đàm
Tuy nhiên, ông Dominic cho biết, thị trường hiện tại chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện đầu tư của nhiều tổ chức đầu tư lớn của nước ngoài, đó là về quy mô thị trường, chất lượng hàng hóa, tính thanh khoản và quản trị doanh nghiệp.
Để tăng thanh khoản cho TTCK, ông Dominic cho rằng, cần đẩy mạnh việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài, có thêm các loại hình đầu tư khác như quỹ hưu trí, thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, cần sớm hoàn thành khung tiêu chí của MSCI để nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, vì có những quỹ đầu tư quy mô lớn trên toàn cầu không đầu tư vào thị trường cận biên.
Thúc đẩy sự minh bạch
Đáng chú ý, ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam nhận xét, bên cạnh những thành quả đạt được, thị trường Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề, nhất là ý thức minh bạch của các doanh nghiệp. Trong khi đó, các công ty kiểm toán không có quyền hạn trong việc giám sát và điều tra những chứng từ mà doanh nghiệp cung cấp có thực sự xác thực hay không.
“Việc kiểm toán chỉ dừng ở mức độ hợp lý”, ông Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, hiện có quá nhiều công ty kiểm toán quy mô nhỏ, trong khi khối lượng kiểm toán đang quá tải. Số công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán chỉ khoảng 20 - 30 công ty so với hơn 1.000 doanh nghiệp trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM.
Theo ông Bằng, kinh nghiệm quản lý TTCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng những vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, thậm chí có những vấn đề nằm ngoài dự báo của Ủy ban. Hạn chế lớn nhất hiện nay là Ủy ban không có thẩm quyền khởi tố, điều tra nên việc phân tích, phát hiện các dấu hiệu có tính chất hình sự gặp khó khăn. Trên thế giới, cơ quan quản lý về TTCK tại nhiều nước được trao quyền điều tra, trong đó có Lào, Campuchia.
Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đánh giá, TTCK Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cần tăng cường cả “chất” và “lượng” hàng hóa trên thị trường, nhất là tính minh bạch của các doanh nghiệp. Kể từ đầu năm đến nay, SSIAM đã huy động hơn 100 triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư ngoại chủ yếu quan tâm đến những doanh nghiệp có bộ máy quản trị minh bạch và hướng tới phát triển bền vững.
Về chuẩn mực kế toán, Việt Nam có khoảng 24 chuẩn mực và đang còn thiếu khoảng 10 chuẩn mực so với quốc tế, nhất là chuẩn mực về các sản phẩm phái sinh. Bên cạnh đó, có 8 chuẩn mực mà quốc tế đã điều chỉnh theo biến động thị trường, trong khi Việt Nam giữ nguyên.
Ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng, chuẩn mực kế toán của Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 30% có thể so sánh với chuẩn mực quốc tế, nhiều chuẩn mực khác có dấu hiệu tụt hậu, nhất là về việc định giá tài sản doanh nghiệp. Khác biệt giữa những chuẩn mực kế toán làm tăng tính rủi ro.
Để giảm thiểu rủi ro, việc kiểm soát chặt chẽ đầu vào đối với doanh nghiệp, đặc biệt là yêu cầu kiểm toán bản cáo bạch niêm yết đã được nhiều nước thực hiện. Theo ông Cường, nếu Việt Nam áp dụng quy định này sẽ giảm gánh nặng của cơ quan quản lý và các Sở giao dịch trong việc giám sát hoạt động của doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý, ông Bằng chia sẻ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện nay chỉ bảo vệ được nhà đầu tư ở một mức độ nào đó, nếu quy định chặt quá thì doanh nghiệp khó đáp ứng, nếu nới lỏng thì lại dễ xảy ra vi phạm. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư phải có ý thức tự bảo vệ mình trước khi quyết định đầu tư.