Bất động sản hạng sang không chỉ là nơi an cư hoàn hảo mà còn góp phần khẳng định vị thế của chủ sở hữu trong xã hội là nội dung chính được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại với chủ đề "Bất động sản hạng sang và không gian sống thượng lưu" do Tạp chí bất động sản Việt Nam tổ chức sáng nay 29/7.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, báo cáo "The Wealth Report 2019" của Knight Frank, Việt Nam có 12.327 triệu phú USD vào năm 2018, tăng 23% so với cách đây 5 năm. Dự báo đến năm 2023, số lượng triệu phú USD của Việt Nam sẽ tăng lên 15.776 người. Nhu cầu và sự sẵn sàng chi trả của tầng lớp này ngày càng cao, đặc biệt là với chốn an cư.
Điều này được thể hiện rõ ở việc bất chấp những biến động của của các phân khúc khác, những sản phẩm thuộc phân khúc bất động sản hạng sang ngay khi xuất hiện tại những đô thị lớn đã vươn lên dẫn dắt thị trường với tỷ lệ hấp thụ khá cao khi đáp ứng nhu cầu và những tiêu chuẩn khắt khe của giới thượng lưu.
Tuy nhiên, tính thanh khoản của phân khúc này được ghi nhận chỉ tập trung ở sản phẩm của một số thương hiệu lớn, có uy tín.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Theo ông Chiến, khi nhắc tới chung cư hạng sang, thường người ta đặt ra 5 tiêu chí gồm Đẹp - Đắc địa - Độc đáo - Đẳng cấp - Đắt giá, trong đó, tiêu chí Đắt giá được hiểu rằng dù mua đi bán lại thì sản phẩm bất động sản vẫn không bị mất giá. Tuy nhiên, thực tế còn 1 tiêu chí quan trọng cơ bản là tiêu chí về văn hóa của cư dân hạng sang.
Bởi lẽ, tầng lớp tinh hoa là những người từng trải, họ không chỉ giàu về vật chất mà còn là những người có vốn kiến thức sâu rộng, am hiểu về nghệ thuật, cũng như những xu hướng. Không chỉ là cảm giác tinh tế đẳng cấp, dự án bất động sản hạng sang phải đem đến sự an tâm cho chủ sở hữu.
Tuy nhiên, trên thị trường cũng đang xuất hiện nhiều dự án được quảng cáo với những lời hoa mỹ và gắn mác căn hộ hạng sang. Điều này cho thấy, việc định nghĩa lại khái niệm về căn hộ hạng sang là vô cùng quan trọng nhằm định vị lại đúng tầm vóc của phân khúc này bởi không phải sản phẩm nào cũng hội tụ đủ yếu tố đẳng cấp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh đó, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, trên thế giới chưa có định nghĩa nhất quán về bất động sản hạng sang. Điều dễ thấy là khái niệm này cũng thay đổi theo thời gian, tùy theo quan niệm có tính chất thời thượng, tùy theo thu nhập của con người trong xã hội, tùy theo thang bậc giá trị được hình thành...
Trong vài thế kỷ trước, sự sang trọng thường gắn với giá trị tính bằng tiền, sự khác biệt của đồ vật, sự độc đáo về vị trí địa lý.
Gắn với quan niệm trên, nhà đầu tư bất động sản hạng sang thường nghĩ tới tìm kiếm những vị trí địa lý đặc biệt tại đô thị, gần những di tích văn hóa, sử dụng những vật liệu xây dựng đặc biệt, thuận tiện nhất cho đời sống đô thị (đi lại dễ dàng, gần các trung tâm mua sắm, nơi vui chơi giải trí, dịch vụ văn hóa giáo dục, chăm sóc sức khỏe...) và tạo dựng một kiến trúc độc đáo...
Kể từ 1992 khi thế giới thống nhất quan niệm phát triển bền vững nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu ở Rio De Janairo, các bất động sản hạng sang có thiên hướng yêu cầu về một môi trường rất trong lành. Khi đó, yếu tố cây xanh, ánh sáng tự nhiên, sử dụng nước, nguồn cấp năng lượng được xác định như một giá trị môi trường trong lành trong đánh giá giá trị của một bất động sản hạng sang.
Gần đây, khái niệm công nghệ thế hệ thứ tư được đưa vào bất động sản kể từ dấu mốc về căn nhà thông minh của Bill Gates. Sự tiện lợi trong điều khiển mọi việc trong nhà tạo nên giá trị mới của bất động sản hạng sang. Lúc này, một bất động sản hạng sang phải là bất động sản thông minh. Trí tuệ nhân tạo và khả năng kết nối sẽ giúp người ở các bất động sản hạng sang tạo nên một cuộc sống rất tiện lợi và chi phí hàng ngày sẽ thấp hơn.
Tương tự, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, đời sống phát triển thì sự phát triển văn hóa cần đến đâu. Với cuộc sống chung cư cao tầng cũng vậy, không phải cứ nhiều tiền là có văn hóa, nhiều tiền mua biệt thự, chung cư đắt tiền nhưng lại thiếu văn hóa, có những quan điểm không phù hợp, gây khó khăn cho người xung quanh thì đó là điều cần quan tâm.
Vì vậy, dưới góc độ văn hóa, khi hình thành những căn hộ hạng sang, yếu tố quan trọng cần phải có đi kèm với chất lượng xây dựng, hạ tầng tiện ích là khơi gợi được yếu tố văn hóa mới nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì và phát huy được những giá trị cũ bởi những người mua có điều kiện họ luôn là những người có đẳng cấp về văn hóa, về lối sống.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đoàn Châu Phong, Tổng giám đốc Văn Phú – Invest cho rằng, nhìn ở góc độ tích cực, xã hội giờ có rất nhiều người giàu, từ doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, cũng không loại trừ những người giàu thông qua sự ăn may, thông qua mánh khóe…nhưng cơ bản thì người giàu là người có tài.
Nhìn tích cực hơn, chúng ta đặt định hướng bất động sản hạng sang là dành cho người giàu và người giàu có văn hóa để chúng ta làm, để có những luận điểm, định hướng cho thị trường.
"Khi làm các dự án thượng lưu phải quan tâm vấn đề gì, khi người ta đến mua nhà mình cần quan tâm gì, khi tiếp xúc trong quá trình xây dựng phải quan tâm gì, và đặc biệt là khi vào ở thì quan tâm gì. Đây là yếu tố cơ bản, nếu không làm được thì không nên theo đuổi phân khúc này bởi nó cũng sẽ dễ khiến doanh nghiệp rủi ro về vốn và thanh khoản", ông Phong nói.