Chung cư lô IV và lô VI thuộc Cư xá Thanh Đa là 1 trong 6 chung cư sẽ được cấp tốc xây mới trong năm nay. Ảnh: Lê Toàn

Chung cư lô IV và lô VI thuộc Cư xá Thanh Đa là 1 trong 6 chung cư sẽ được cấp tốc xây mới trong năm nay. Ảnh: Lê Toàn

Chung cư cũ có cơ hội “đổi đời”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính quyền TP.HCM vừa chốt 6 chung cư cũ phải xây mới trong năm 2022, mở ra hướng can thiệp hiệu quả hơn vào phân khúc “khó nhằn” này .

Sau gần 10 năm di dời dân cư, UBND TP.HCM mới đây đã có quyết định giao khu đất diện tích 14.778,4 m2 tại phường 27, quận Bình Thạnh cho CTCP Phát triển nhà Thanh Đa để thực hiện dự án “Giai đoạn 1 – lô IV và lô VI thuộc dự án đầu tư xây dựng 8 chung cư lô số, Cư xá Thanh Đa”.

Chung cư lô IV và VI thuộc cụm 8 chung cư lô số ở cư xá Thanh Đa được xây dựng vào năm 1972, với diện tích hơn 16.000 m2 và vị trí tuyệt đẹp khi nằm sát bờ sông Sài Gòn.

Hơn 10 năm trước, 2 lô chung cư này có hiện tượng sụp, lún, nguy cơ sụp đổ. Đến năm 2017, UBND Thành phố đã có quyết định công nhận CTCP Phát triển nhà Thanh Đa làm chủ đầu tư của 8 lô số này. Trong giai đoạn 1, Công ty Thanh Đa sẽ đầu tư xây mới trước hai block chung cư 40 và 45 tầng với khoảng 1.750 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Được biết, Công ty Thanh Đa đã chuyển hơn 684 tỷ đồng chi phí tạm tính tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạm cư để thực hiện dự án xây mới hai lô chung cư nói trên.

Ngoài chung cư này, trong năm nay, TP.HCM cũng đã “chốt” 5 chung cư cũ sẽ cấp tốc xây mới. Hầu hết các chung cư cũ này đều đã giải phóng mặt bằng, không còn người dân sinh sống, nhưng tiến độ xây dựng những năm qua còn chậm trễ.

Cụ thể, 3 chung cư đã hoàn thiện di dời người dân gồm: Chung cư 128 Hai Bà Trưng, quận 1, quy mô 200 căn hộ, do CTCP Phát triển nhà châu Á - Thái Bình Dương làm chủ đầu tư; Chung cư 23 Lý Tự Trọng, quận 1, quy mô 160 căn hộ, do CTCP Địa ốc Downtown làm chủ đầu tư; Chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, quy mô 268 căn hộ, do Công ty TNHH T.A.M làm chủ đầu tư.

Hai chung cư còn lại nằm tại quận Tân Bình, gồm Chung cư 350 Hoàng Văn Thụ có quy mô 374 căn hộ do CTCP Đức Khải Tân Bình làm chủ đầu tư và Chung cư 251 Hoàng Văn Thụ quy mô 176 căn hộ do CTCP Đầu tư xây dựng Tân Bình làm chủ đầu tư.

Việc chính quyền TP.HCM chốt phương án xây mới lại 6 chung cư cũ năm nay cho thấy sự cố gắng nhất định khi trong nhiệm kỳ trước, Thành phố chỉ xây mới được 2 chung cư cũ với 876 căn hộ. Trong khi đó, những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan công tác quy hoạch, chính sách tạm cư, giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư là nhân chính dẫn đến việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chậm trễ.

Chẳng hạn như chung cư Trúc Giang, số 41/1 Lê Văn Linh, phường 13 (quận 4) xây trước năm 1975, hiện xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2018, chính quyền tìm được nhà đầu tư xây mới, chủ đầu tư dự tính tái định cư tại chỗ với tỷ lệ quy đổi 1 m2 căn hộ cũ bằng 1,1 m2 căn hộ mới và hộ nào không ở sẽ bán lại cho chủ đầu tư giá 27,5 triệu đồng/m2, nhưng nhiều cư dân không đồng ý. Dự án sau đó vướng thủ tục pháp lý, không thể giải phóng mặt bằng, khiến chủ đầu tư phải rút lui.

Sau hơn 1 năm vận động, đến nay, 119 hộ dân chấp thuận qua chung cư Phú Thọ, quận 11, cách đó chừng 8 km, nhưng vẫn còn 4 hộ dân sống ở tầng trệt chung cư chưa chịu di dời.

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, quy định về xây dựng, cải tạo chung cư cũ đã thuận lợi hơn sau khi Nghị định 69/2021/NĐ-CP ra đời, tạo điều kiện cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, công nhận chủ đầu tư..., nhất là điều kiện phá dỡ chung cư cũ để cải tạo chỉ cần 70% hộ đồng ý, thay vì 100% như trước.

“Trước các thuận lợi này, TP.HCM phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây mới 246 chung cư”, ông Bình thông tin.

Mặc dù vậy, trên địa bàn Thành phố hiện có một số chung cư cần xây dựng lại, có khuôn viên diện tích đất nhỏ (dưới 1.000 m2), dù đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, nhưng vẫn không bảo đảm tính khả thi để đầu tư xây dựng lại nhà chung cư để bố trí tái định cư. Tuy nhiên, Nghị định 69/2021/NĐ-CP không có quy định cụ thể xử lý nhà, đất đối với trường hợp này.

Do vậy, Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng có ý kiến theo hướng tổ chức di dời, bố trí tái định cư cho người dân tại các điểm khác bằng nguồn vốn đầu tư công. Vị trí khu đất của chung cư cũ sẽ được chuyển đổi chức năng quy hoạch và chức năng sử dụng đất phù hợp để tổ chức đấu giá theo quy định.

Tin bài liên quan