Sức cầu hiện hữu
Việc Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó có một quy định mới lần đầu tiên được bổ sung vào văn bản này là cho phép áp dụng Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đang thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường.
Hiện tại, trên thị trường chứng khoán, bên cạnh hàng loạt cổ phiếu đã cạn room sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài như FPT, REE, TCB, PNJ, TPB, EIB, MBB…, còn nhiều cổ phiếu khác cũng gần hết room ngoại có thể kể tới là CTG, MWG, CTD…, trong khi đây đều là những cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu mua vào.
“Một số khách hàng của chúng tôi mong muốn tăng danh mục đầu tư vào cổ phiếu tại thị trường Việt Nam từ mức 500 triệu USD hiện nay lên ít nhất khoảng 1 tỷ USD trong năm nay và tiến tới 1,5 tỷ USD trong năm tới nếu điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, mục tiêu này đang khó thành hiện thực vì nhiều cổ phiếu khách hàng của chúng tôi muốn mua thêm đã cạn room ngoại, trong khi thị trường hiện chưa có thêm các mặt hàng mới khi hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị ngưng trệ kéo dài...”, đại diện một công ty chứng khoán Nhật Bản có văn phòng hoạt động tại Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.
Ông cho biết thêm, để tăng khả năng tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường nhiều sức hấp dẫn như thị trường chứng khoán Việt Nam, có những thời điểm nhà đầu tư Nhật Bản phải “đi đường vòng” thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ ETF với mức giá cao hơn so với mua trực tiếp cổ phiếu tới 10-15% tùy thời điểm, trong khi lại không được hưởng nhiều quyền lợi như khi mua trực tiếp...
“Mỗi khi tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ thông tin về giải pháp nào để rộng cửa hơn cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, câu hỏi mà chúng tôi thường xuyên nhận được từ phía nhà đầu tư ngoại là Việt Nam có cho phép triển khai NVDR không, bao giờ áp dụng…”, giám đốc phân tích một công ty chứng khoán đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông tin.
Ở góc nhìn của một tổ chức đầu tư, phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ có vốn đầu tư nước ngoài chia sẻ, sau nhiều năm chuẩn bị, nhà đầu tư ngoại hiện kỳ vọng NVDR sớm được triển khai để họ có thể giao dịch các cổ phiếu đã hết room.
“Ở Việt Nam, việc nới room trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài để họ được nắm giữ cổ phần từ mức 51% trở lên sẽ không thể sớm diễn ra. Lý do chủ yếu là cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp vẫn muốn nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp để phòng ngừa các rủi ro phát sinh. Điều này có nghĩa, cửa để nới room trực tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn lâu mới được mở.
Trong khi đó, việc thành công trong nâng hạng thị trường chứng khoán cũng chưa dễ cán đích, nên cửa hút vốn ngoại vào Việt Nam vẫn còn khó. Từ thực tế này, NVDR là một lựa chọn khả dĩ để đạt mục tiêu kép là vừa không bị nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát doanh nghiệp, vừa thu hút thêm được dòng vốn ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam”, vị lãnh đạo công ty quản lý quỹ trên nêu quan điểm.
Kết quả nghiên cứu của HOSE cũng cho thấy, nhu cầu giao dịch NVDR của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là hiện hữu. Xét về mặt kỹ thuật, sản phẩm này sẽ được triển khai khả thi một khi quy định pháp lý sớm được định hình cụ thể.
VSD hay Sở giao dịch được lập công ty phát hành NVDR?
Trước nhu cầu thực tế, theo góc nhìn của các tổ chức tư vấn đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước, việc tìm đầu ra cho NVDR không phải vấn đề quá khó khăn, mà quan trọng là phải đảm bảo nguồn cung đều đặn cho thị trường.
“Có một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp cạn room ngoại hiện nay đều là doanh nghiệp doanh nghiệp đầu ngành, quy mô tài sản lớn, nên nhu cầu huy động thêm vốn của họ không phải lúc nào cũng hiện hữu. Hơn nữa, ngay cả khi cần vốn, họ cũng có nhiều phương án để có thể tiếp cận được với nguồn vốn rẻ. Do đó, cách nào để họ chọn phương án huy động thêm vốn qua hợp tác với tổ chức phát hành NVDR để đưa sản phẩm này ra thị trường, từ đó đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề cần xử lý…”, lãnh đạo một công ty đang niêm yết trên HOSE chia sẻ.
Theo mô hình của Thái Lan, NVDR do một công ty con của sở giao dịch chứng khoán phát hành. Tuy nhiên, với quy định mới của Luật Chứng khoán là cho phép thành lập Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, nên công ty phát hành NVDR có thể là công ty con của tổng công ty này hoặc sở giao dịch chứng khoán, miễn sao thuận lợi cho việc quản lý số cổ phiếu phải được phong tỏa để làm cơ sở cho phát hành lượng NVDR tương ứng… Mô hình công ty phát hành NVDR ra sao là điểm pháp luật cần vạch rõ trong năm 2020 này.
Dù có thuộc tổ chức nào thì công ty phát hành NVDR vẫn là tổ chức trung gian, nên chỉ có thể thực hiện việc phát hành NVDR khi có sự đồng thuận, hợp tác với tổ chức phát hành cổ phiếu cơ sở là các doanh nghiệp niêm yết. Nếu hai bên “cơm không lành” thì dễ dẫn đến thiếu nguồn cung cho thị trường.
Để giúp các thành viên tham gia thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã hết room ngoại nắm bắt được sơ bộ các luật chơi, nhận diện được những lợi ích của NVDR, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký (VSD) cần triển khai sớm các hoạt động chia sẻ thông tin sau khi cơ chế về NVDR được Quốc hội thông qua dự kiến vào trung tuần tháng 6 tới.
Từ đó, họ có quá trình chuẩn bị lên phương án hợp tác với công ty phát hành NVDR, đưa sản phẩm này đều đặn ra thị trường, tạo dòng chảy ổn định cho nguồn cung. Đây là yếu tố quan trọng để tránh rủi ro sức cầu bị “gãy”, tương tự như tình trạng nhiều cổ phiếu cạn kiệt room cho nhà đầu tư nước ngoài kéo dài nhưng chậm được tháo gỡ như hiện nay.
Thực tế, việc triển khai bất kỳ một sản phẩm mới nào thường cần ít nhất 2-3 năm và không bao giờ là dễ, nhất là với những sản phẩm đặc thù trên thị trường chứng khoán do đòi hỏi đầu tư nhiều về hạ tầng kỹ thuật, thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với khẩu vị của cả bên bán lẫn bên mua. Bởi vậy, các thành viên thị trường đang kỳ vọng sau khi cơ chế pháp lý được định hình, nhà quản lý cần sẵn sàng vượt qua các khó khăn, thách thức để vào cuộc triển khai NVDR ra thị trường như mong đợi của nhà đầu tư ngoại cũng như các bên liên quan.
Dù có thuộc tổ chức nào thì công ty phát hành NVDR vẫn là tổ chức trung gian, nên chỉ có thể thực hiện việc phát hành NVDR khi có sự đồng thuận, hợp tác với tổ chức phát hành cổ phiếu cơ sở là các doanh nghiệp niêm yết. Nếu hai bên “cơm không lành” thì dễ dẫn đến thiếu nguồn cung cho thị trường.