Theo đó, Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thống kê có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định: Các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thống kê; Chiến lược, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình hành động về thống kê;...
Bên cạnh đó, thẩm định chuyên môn, nghiệp vụ đối với Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành bao gồm cả chỉ tiêu thống kê được điều chỉnh, bổ sung; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành; phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phương án điều tra thống kê do bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tổ chức thực hiện.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở; tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; tổng điều tra kinh tế và tổng điều tra, điều tra thống kê khác do Thủ tướng Chính phủ phân công. Thực hiện các cuộc điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia, các cuộc điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định.
Quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu bộ, ngành; cung cấp dữ liệu, thông tin có liên quan đến thông tin thống kê đã được công bố trong cơ sở dữ liệu thống kê cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện bảo mật thông tin của tổ chức, cá nhân trong quá trình cung cấp dữ liệu theo quy định của pháp luật.
Phân tích và dự báo thống kê theo chương trình thống kê phục vụ việc xây dựng, đánh giá thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo kết quả điều tra, tổng điều tra thống kê; báo cáo phân tích chuyên đề; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê;...
Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê
Tổng cục Thống kê được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ trung ương đến địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất.
Cơ quan thống kê ở trung ương gồm: 1- Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê; 2- Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê; 3- Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia; 4- Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản; 5- Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng; 6- Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ; 7- Vụ Thống kê Giá; 8- Vụ Thống kê Dân số và Lao động; 9- Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường; 10- Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế; 11- Vụ Tổ chức cán bộ; 12- Vụ Kế hoạch tài chính; 13- Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê; 14- Văn phòng; 15- Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê; 16- Viện Khoa học Thống kê; 17- Tạp chí Con số và Sự kiện; 18- Nhà Xuất bản Thống kê; 19- Trường Cao đẳng Thống kê; 20- Trường Cao đẳng Thống kê II.
Các tổ chức quy định từ (1) đến (15) là tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ (16) đến (20) là tổ chức sự nghiệp. Văn phòng Tổng cục được tổ chức 6 phòng; Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê được tổ chức 4 phòng và 4 Trung tâm.
Cơ quan thống kê ở địa phương gồm: Cục Thống kê tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc Tổng cục Thống kê. Cục Thống kê cấp tỉnh được tổ chức 5 phòng.
Chi cục Thống kê tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chi cục Thống kê khu vực thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh.
Tổng cục Thống kê có Tổng cục trưởng và không quá 4 Phó Tổng cục trưởng.