Đô thị hoá và nhu cầu sống
"Cũng phải trải qua đợt nghỉ kéo dài vì Covid-19 cùng cảm giác khó chịu với đợt nắng nóng đầu tiên của mùa Hè năm nay mới thấy việc bán căn nhà tập thể cũ để chuyển sang một chốn mới là cần thiết", Thu Phương, nhân viên một công ty về giao nhận vận tải chia sẻ với người viết trong một cuộc trò chuyện gần đây. Mệt mỏi là cảm giác sau mỗi chuyến đi làm về kéo dài tới cả 1 - 2 tiếng đồng hồ để đón con, nhưng chán chường hơn cả là về nhà ăn cơm xong chẳng biết đi đâu, bởi khu tập thể cũ chẳng chừa chút không gian chạy nhảy nào cho mấy đứa nhỏ.
Khoảng sân ở giữa khu thì nay cũng đã được mấy bà cô trong tổ dân phố tận dụng làm chỗ để xe máy, xe đạp, và muốn đi chơi thì phải cuốc bộ đến cả cây số mới tới công viên gần nhất là lý do Phương muốn chuyển đến một chỗ mới ngay thời điểm sau dịch Covid-19.
Chuyện của Phương cũng giống như chuyện của nhiều người vào thời điểm hiện tại. Cũng như chị Phương, nhiều người nói vợ chồng Minh “dở hơi”, khi giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập bị ảnh hưởng, vợ chồng chị lại tìm mua nhà. Tuy nhiên, với chị Minh, kinh nghiệm từ lần mua nhà trước đây “mách bảo” rằng, đã đến lúc phải thay đổi.
“Tám năm trước, vợ chồng tôi mua căn nhà đầu tiên sau đám cưới. Khi đó, chúng tôi nhằm đúng những ngày Hà Nội mưa như trút nước để tìm nhà. Lý do là trong những ngày trời mưa liên tục, tôi mới biết chỗ mình định mua có hạ tầng thế nào, có ngập nước không, nhà có thấm dột không”, chị Minh nhớ lại.
Nhờ vậy, đến nay, trong khi nhiều nơi ngày thường “đẹp lung linh” nhưng cứ mưa là ngập đến đầu gối, khu nhà chị Minh vẫn quanh năm khô ráo. Tuy nhiên, vợ chồng chị Minh quyết định chuyển nhà vì con lớn chuẩn bị vào lớp một, con út vào mầm non. Động lực tìm nơi an cư mới của anh chị càng tăng thêm trong những ngày cách ly xã hội vì Covid-19.
Những dự án xanh được nhiều khách hàng quan tâm
“Dịch bệnh cũng như trận mưa 8 năm trước cho thấy nhiều thứ mà ngày thường mình không thấy. Chỉ riêng việc không có không gian cho bọn trẻ chạy nhảy, hít thở không khí trong suốt mấy tuần giãn cách đã khiến tôi phải quyết định chuyển nhà”, chị Minh kiên quyết.
Kiến trúc sư Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, dịch bệnh chỉ là yếu tố thêm phần tác động đến xu hướng chọn nhà của khách hàng. Trên thực tế, tại Hà Nội vẫn còn tồn tại rất nhiều không gian sinh sống kiểu cũ với ba không: không công viên, không bãi đễ xe, không có môi trường giao lưu, kết nối cư dân. Tuy nhiên, những không gian sống này ngày càng tạo cảm giác tù túng, không hấp dẫn khách hàng trẻ và phải nhường chỗ cho các khu đô thị với cơ sở hạ tầng đồng bộ, không gian sống xanh.
Cải thiện chất lượng sống của người dân đô thị
Lịch sử cho thấy, các dịch bệnh lớn đóng vai trò như chất xúc tác tạo ra những chuyển biến trong cách tiếp cận cuộc sống của con người, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Chỉ cần đảo qua nhiều diễn đàn trên mạng thời gian nghỉ dịch vừa qua, không quá khó để thấy dịch bệnh khiến con người quan tâm hơn đến hệ thống y tế và cung cấp nhu yếu phẩm. Và sau dịch, sau những cái nắng gay gắt đầu hè, nếu như trước kia các dự án có đầy đủ tiện ích ngay trong nội khu thường có giá cao hơn khiến họ phải đắn đo, song, trong bối cảnh hiện nay, giá cả không còn quá quan trọng.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại nhiều sàn giao dịch bất động sản cho thấy, dù thị trường giao dịch vẫn khá nhỏ giọt, lượng khách hàng tìm hiểu về phân khúc nhà ở cao cấp trong các khu đô thị đa tiện ích vẫn tăng mạnh. Nhiều khách hàng vốn chần chừ cân lên đặt xuống trước dịch bỗng “chốt” đơn nhanh chóng.
“Chia sẻ không gian nhỏ hẹp cho nhiều thành viên cùng lúc, suốt 24/7 mỗi tuần là trải nghiệm mệt mỏi và khó xử, nhất là trong các gia đình 2-3 thế hệ: người già cần xem ti vi, bố mẹ con cái cần học và làm việc online. Chưa kể xung quanh hàng xóm nhạc nhẽo ồn ào, chợ búa thuốc thang thì xa, muốn mua gì cũng khó…, nên nhiều người đã phát sinh nhu cầu đổi nhà hoặc mua nhà ra riêng”, Tuấn, một quản lý sàn bất động sản tại Hà Nội chia sẻ.
Theo ông Phạm Thành Huy, Trưởng phòng bán hàng Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội, chủ đầu tư dự án
Samsora Premier tại Hà Đông, chỉ số niềm tin và sự an tâm với Việt Nam đang gia tăng khi chúng ta đã có những biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, dịch bệnh đã phần nào thay đổi tư duy mua nhà của nhiều người Việt. Ưu tiên chất lượng sống được đặt lên hàng đầu, thậm chí ngay cả khi phải dùng đến các đòn bẩy tài chính từ ngân hàng.
"Covid-19 đã tạo ra một khoảng lặng nhưng cũng chính là cú huých thúc đẩy sự thay đổi thị hiếu, thúc đẩy khách hàng quan tâm hơn đến môi trường, hệ thống y tế và cung cấp nhu yếu phẩm. Mọi người sẽ nhận ra tầm quan trọng của một không gian sống hoàn chỉnh, được quy hoạch bài bản, với mật độ xây dựng thấp, thoáng rộng, an toàn và đầy đủ tiện ích có lợi ích chừng nào", ông Huy nhấn mạnh.
Với tốc độ tăng trưởng xây dựng nhanh thứ tư ở Đông Á, 45% người Việt Nam dự kiến sẽ sống trong các thành phố vào năm 2030. Các tòa nhà sử dụng hơn 30% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước. Hơn nữa, với đường bờ biển dài và thấp, Việt Nam hiện là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Vì vậy, việc phải đảm bảo các đô thị và thành phố phát triển bền vững là điều tất yếu. Trong đó, các tòa nhà xanh là nền tảng và là chìa khóa cho sự bền vững lâu dài của các đô thị hiện đại. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không gian xanh đem lại rất nhiều giá trị về sức khoẻ, tinh thần, vật chất và một loạt các yếu tố tích cực khác liên quan đến xã hội, môi trường…
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam cho biết, hiện nhiều chủ đầu tư đặt câu chuyện sống xanh - sống thông minh lên hàng đầu và họ không ngừng nghỉ trên hành trình xây đắp, chuyên tâm tạo những giá trị sống đích thực. Tuy nhiên, Việt Nam cần có những phong trào xanh hóa được tổ chức bài bản dựa trên sự đánh giá và phân tích tình hình thực tế để có cách thực hiện phù hợp nhất, không gây hiệu quả tiêu cực và vẫn đảm bảo diện tích màu xanh đô thị tăng lên ngay cả trong chính những khu vực có mật độ xây dựng cao.
Tuy nhiên, để xanh hóa các công trình một cách bài bản cần sự thống nhất ở nhiều cấp độ khác nhau, từ quy hoạch xây dựng đô thị hay các khu vực đô thị đến những dự án công trình kiến trúc đơn lẻ, từ việc xây dựng mới đến sửa chữa, cải tạo hay tái thiết các công trình cũ có diện tích hạn chế, từ những kiến trúc cao tầng đến thấp tầng...
Theo chuyên gia thiết kế đô thị Trần Minh Tùng, để làm được điều này, cả các nhà quản lý lẫn các nhà đầu tư phải thay đổi quan điểm trong cách thức kiến tạo và vai trò của các không gian xanh trong đô thị, chẳng hạn như màu xanh đô thị nên dựa trên sự tăng cường sự chia sẻ và gắn kết cộng đồng, thử nghiệm các mô hình vườn ít phụ thuộc đất đai hoặc cho phép đất đai được sử dụng đa chức năng thay vì đơn chức năng “thuần xanh” như hiện tại, đồng thời cân bằng giữa các nguồn lực bỏ ra và thu về trong việc kiến tạo, vận hành và khai thác các không gian xanh đô thị.
Từ đó, các nguyên tắc tận dụng không gian để phát triển màu xanh đô thị theo cả chiều ngang lẫn chiều đứng cũng nên được pháp lý hóa, đi kèm với những hướng dẫn mang tính chuyên môn cao, kết hợp giữa các chuyên ngành đô thị, kiến trúc, cảnh quan, cây xanh và nông nghiệp để có thể tạo ra những mảng màu xanh trang trí cho kiến trúc cảnh quan đô thị nhưng vẫn có thể trở thành màu xanh sản xuất, mang lại tính kinh tế, giúp người dân có các sản phẩm nông nghiệp đô thị tại chỗ, yên tâm về nguồn gốc thực phẩm xanh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com